Sao cho tiết kiệm!

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/2/2019 | 8:01:50 AM

YênBái - Chủ trương đón tết, vui xuân an toàn, tiết kiệm đã được đưa ra; xu thế chuyển từ ăn tết sang chơi tết đã được tuyên truyền nhưng sự lãng phí đồ ăn thức uống trong mấy ngày tết không những không dừng lại mà còn đang có xu hướng gia tăng.

Mâm cỗ ngày Tết luôn được bày đặt đầy đủ, tươm tất nên dễ gây lãng phí.
Mâm cỗ ngày Tết luôn được bày đặt đầy đủ, tươm tất nên dễ gây lãng phí.

Bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, lễ tiễn ông Công, ông Táo trong mỗi gia đình diễn ra và sự lãng phí bắt đầu từ đó. 

Quan niệm về lễ vật cúng ông Công, ông Táo mỗi người mỗi khác, ngoài đôi cá chép vàng ra nhất thiết phải có con gà, đĩa xôi và một mâm cơm đủ các món xào, canh, nộm..., nhiều người còn cẩn thận mua thêm con cá chép cỡ trên cân về rán vàng, dù truyền thuyết không thấy có đoạn "ông Táo cưỡi cá chép rán vàng lên trời”.

Cuối năm đã bội thực liên hoan, nào tổng kết cơ quan, doanh nghiệp, tổng kết phòng ban, nào tết xóm phố, hội hè..., bữa nào cũng rượu, thịt, bánh chưng, giò thủ, thịt đông, hành muối... cho có hương vị tết, thế là mâm cơm cúng ông Công, ông Táo giờ ế hẳn. Sau lễ tiễn ông Táo, trong khi chương trình liên hoan, tổng kết dịp cuối năm vẫn phải tiếp tục thì mọi người lại gắng sức sang nhà anh em, bạn bè, hàng xóm ăn tết sớm để chia tay về quê... 

Vậy là con gà luộc cánh tiên hôm 23 tháng Chạp vẫn nguyên trong tủ lạnh, nằm sát với nó là đủ thứ như: thịt trâu sấy, thịt lợn hun khói, xúc xích... Các bà nội trợ đua nhau mua về hoặc được bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp cho, biếu, tặng. Dịp tết, tủ lạnh nhà nào, nhà nấy đều chật cứng và chạy hết công suất, cho dù đó là những chiếc tủ cỡ lớn. 

Chiều 30 tết, các bà vợ lại giục chồng mổ đôi ba con gà, một con làm cơm tất niên, mâm cơm ấy phải thực sự thịnh soạn để kính mời tổ tiên về ăn tết. Phút giao thừa linh thiêng, một con gà, một đĩa xôi sắp trên ban thờ, một con khác, kèm đĩa xôi, đĩa quả thắp ngoài sân, tất nhiên là lại cho vào tủ lạnh.

Tôi là con thứ nên không làm cơm cúng 3 ngày tết, anh nào con trưởng hoặc gia đình nào cẩn thận thì 3 ngày tết, mỗi ngày 3 mâm cơm cúng, đồ ăn thức uống phải đầy đủ, đặc biệt đồ cúng không được dùng lại...

Sự lãng phí chưa dừng ở đó. Chiều mùng 3 tết, nhà nhà làm cơm hóa vàng, mâm cỗ cũng phải thịnh soạn như mâm tất niên. Mấy ngày du xuân, không ít người đi lễ đền, phủ nếu cúng lễ ngọt còn đỡ, còn làm lễ mặn với con gà, đĩa xôi, miếng thịt luộc, có bác quay cả con lợn đi lễ thì... không biết thụ lộc kiểu gì! Hết tết, mọi người quay trở lại làm việc nhưng những bữa tiệc chưa hết, mở đầu là bữa tiệc khai xuân, sau đó là mấy anh, mấy em trong đơn vị làm cơm mời mọi người đến nhà ăn, do tết rồi về quê, không có mặt... Còn biết bao bữa tiệc khác nữa trong khi thực phẩm vẫn nguyên trong tủ lạnh.

Tết Kỷ Hợi năm nay thời tiết như mùa hè. Nắng nóng luôn đi kèm với thực phẩm ôi thiu, bị bỏ phí, nghĩ mà xót xa!

Tấn Đạt