Yên Bái tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/2/2019 | 8:31:48 AM

YênBái - Trong năm 2018, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã giải quyết cho vay trên 39.354/39.873 bộ hồ sơ tín dụng, tỷ lệ đạt 98,69% hồ sơ đề nghị vay vốn. Tổng dư nợ cho vay đạt 21.444 tỷ đồng, tăng 24,30% so với năm 2017

Các ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn bám sát chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp tích cực huy động vốn phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp địa phương. (Ảnh Thanh Chi)
Các ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn bám sát chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp tích cực huy động vốn phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp địa phương. (Ảnh Thanh Chi)

Năm 2018, quán triệt định hướng của Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn thực hiện tốt các mục tiêu chính sách tiền tệ, tín dụng và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương; triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách tín dụng của Đảng, Nhà nước, của tỉnh; đáp ứng đủ nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế theo các mục tiêu kinh tế của tỉnh. Đồng thời, tập trung vốn đầu tư cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả… 

Cùng đó, các ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn bám sát chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp tích cực, đẩy mạnh huy động vốn tại địa phương, khai thác tốt nguồn vốn ngoại tỉnh, nguồn vốn điều hòa hệ thống; tăng trưởng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung cho vay các thành phần kinh tế. Tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đạt trên 23.000 tỷ đồng, tăng 17,62%. 

Trong năm 2018, các ngân hàng thương mại đã giải quyết cho vay trên 39.354/39.873 bộ hồ sơ tín dụng, tỷ lệ đạt 98,69% hồ sơ đề nghị vay vốn. Tổng dư nợ cho vay đạt 21.444 tỷ đồng, tăng 24,30% so với năm 2017; trong đó, dư nợ ngắn hạn 12.600 tỷ đồng, chiếm 61,15% tổng dư nợ. Có thể nói, các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của các thành phần kinh tế. 

Đồng thời, không chỉ cho vay mà các tổ chức còn thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn có đúng mục đích hay không, khách hàng gặp khó khăn đều có sự chia sẻ, giúp đỡ để cùng sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Các ngân hàng còn thực hiện rất tốt các chương trình tín dụng; vốn tín dụng đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ; giải ngân các dự án đã cam kết; cho vay các đối tượng chính sách. 

Trong đó, dư nợ cho vay thực hiện các chính sách phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ đạt trên 9.551 tỷ đồng, tăng 1.456 tỷ đồng so với năm 2017, chiếm 44,54% tổng dư nợ tín dụng toàn địa bàn. 

Dư nợ cho vay Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt 7.142 tỷ đồng, tăng 445 tỷ đồng so với năm 2017, góp phần đưa 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, đưa tổng số xã đạt chuẩn lên 46 xã. 

Song song với đó là Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tiếp tục được phát huy. Các ngân hàng thương mại đã cam kết hỗ trợ cho vay đối với 127 khách hàng là doanh nghiệp với số vốn trên 1.537 tỷ đồng. 

Trong năm, đã cho vay 994 tỷ đồng và cơ cấu lại nợ cho 4 doanh nghiệp với dư nợ 583 tỷ đồng. Như vậy, sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình đã có 493 doanh nghiệp và số tiền cam kết cho vay đạt 8.692 tỷ đồng; cam kết hỗ trợ giảm lãi suất cho 24 doanh nghiệp với số vốn trên 188 tỷ đồng; gia hạn nợ cho 31 khách hàng với số vốn gần 500 tỷ đồng; cơ cấu lại vay cũ về mức phù hợp cho 198 doanh nghiệp với dư nợ gần 2 ngàn tỷ đồng. 

Từ Chương trình và các giải pháp chuyên môn, đã góp phần tháo gỡ cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Cùng đó, ngân hàng còn thực hiện tốt 13 Chương trình tín dụng chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 2.767 tỷ đồng, tăng 23 tỷ đồng so với 2017. 

Trong đó, cho vay hộ nghèo trên 1.100 tỷ đồng, hộ cận nghèo 154 tỷ đồng, vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 510 tỷ đồng… thông qua chương trình tín dụng ưu đãi giúp các hộ nghèo, đối tượng chính sách có vốn đầu tư phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương. 

Phát huy kết quả đạt được, năm 2019 các ngân hàng trên địa bàn tiếp tục thực hiện các định hướng điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với các chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu dưới 4%.

Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền và ngoại hối; phấn đấu tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế so với năm 2018 tăng từ 14% trở lên, tỷ lệ nợ xấu nội bảng so với tổng dư nợ dưới 2%; đáp ứng đảm bảo nhu cầu vốn cho các thành phần kinh tế, chú trọng cho vay các chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cho vay nông nghiệp, nông thôn.

Thanh Phúc