Văn Chấn chú trọng công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/2/2019 | 8:32:56 AM

YênBái - Huyện Văn Chấn có 40.062 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 350 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (ĐBKK) đa phần thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số.

Học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn được các tổ chức xã hội hỗ trợ xe đạp.
Học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn được các tổ chức xã hội hỗ trợ xe đạp.

Xác định trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể và nhân dân trong huyện luôn quan tâm thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em (BVCSGDTE) hướng tới mục tiêu trẻ em được phát triển toàn diện trong môi trường học tập, vui chơi giải trí an toàn.

Để thực hiện hiệu quả công tác BVCSGDTE, nhiều năm qua huyện Văn Chấn đã xây dựng, triển khai nhiều kế hoạch thực hiện công tác BVCSGDTE; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể theo chức năng nhiệm vụ được phân công, triển khai thực hiện các quy định của Luật BVCSGDTE, nhất là các lĩnh vực: giáo dục, y tế, văn hóa; tổ chức Diễn đàn trẻ em; Tháng hành động Vì trẻ em; thăm, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6. 

Công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi gia đình và cộng đồng xã hội về công tác BVCSGDTE được đặc biệt quan tâm mọi người có những kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em để phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm quyền trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích nhất là phòng chống đuối nước trong dịp hè. 

Theo đánh giá của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe - dinh dưỡng cho trẻ em luôn được đặc biệt coi trọng, 100% trẻ em dưới 6 tuổi đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh miễn phí; hàng năm, huyện thực hiện đầy đủ các chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng... 

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 13 trạm y tế xã đạt chuẩn y tế quốc gia theo bộ tiêu chí mới; 100% trạm y tế có y sỹ sản nhi và nữ hộ sinh… đáp ứng các yêu cầu chăm sóc trẻ em ở cơ sở. 

Lĩnh vực giáo dục trẻ em được đặc biệt quan tâm. Toàn huyện có 73 đơn vị trường học, trong đó 23 trường mầm non; 17 trường tiểu học; 17 trường THCS và 16 trường TH&THCS. Hiện nay, 30 trường trung học đã triển khai chương trình giáo dục sống khỏe mạnh và kỹ năng sống cho học sinh. 

Thông qua các chương trình giảng dạy, các em đã được nâng cao kiến thức, kỹ năng về sống khỏe, phòng ngừa HIV/AIDS cho trẻ em và người chưa thành niên. 

Hàng năm, các nhà trường, đoàn thanh niên các xã, thị trấn còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, văn hóa, văn nghệ cho trẻ em nhất là vào dịp hè với nhiều hoạt động bổ ích thu hút đông đảo trẻ em tham gia.

Những năm gần đây, huyện Văn Chấn cũng nhận được các chương trình, mô hình hợp tác quốc tế và các tổ chức xã hội đã tham gia ủng hộ các chương trình BVCSGDTE ở cơ sở. 

Điển hình như năm 2018 vừa qua, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới đã mở 8 lớp tập huấn về công tác BVCSGDTE tại 5 xã gồm: Suối Bu, Suối Giàng, Thanh Lương, Hạnh Sơn và Phúc Sơn, với 150 đại biểu là các cán bộ cấp xã, thôn, bản tham gia. Dự án còn hỗ trợ công tác thúc đẩy giáo dục có chất lượng, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc cho 10 trường THCS. 

Hàng năm, Quỹ Bảo trợ trẻ em huyện luôn nhận được những tấm lòng sẻ chia của cán bộ công chức, viên chức, nhân dân và các nhà hảo tâm  ủng hộ bằng tiền và hiện vật, từ đó tổ chức các hoạt động chăm lo, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK, trẻ em thuộc hộ nghèo… với số tiền trung bình trên 200 triệu đồng/năm.

Bằng những việc làm và hành động thiết thực trong công tác BVCSGDTE trên địa bàn thời gian qua, đã góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em, tạo điều kiện thuận lợi để trẻ em được học tập, vui chơi, phát triển toàn diện. 

Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân trong việc thực hiện công tác BVCSGDTE. 

Cùng với việc thực hiện tốt các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước đối với trẻ em, tại các trường học cũng chủ động xây dựng nơi vui chơi cho trẻ em nhằm phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước. 

Chính quyền các địa phương theo dõi không để tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, độc hại, ngăn chặn kịp thời tình trạng xâm hại, ngược đãi và bạo lực trẻ em, giúp các em vươn lên trong học tập để trở thành những công dân tốt của gia đình và xã hội.

 Thái Hưng