Thái Nguyên - tỉnh thứ 10 có dịch tả lợn châu Phi

  • Cập nhật: Thứ bảy, 9/3/2019 | 8:48:13 PM

Tính đến 17h ngày 7/3, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 560 hộ, 210 thôn, 84 xã, 27 huyện của 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên và Thái Nguyên).

Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại Hòa Bình.
Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại Hòa Bình.

Ngày 8/3, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ ngày 1/2-7/3/2019 dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 560 hộ, 210 thôn, 84 xã, 27 huyện của 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên và Thái Nguyên).

Về công tác phòng, chống dịch bệnh trên, Cục Thú y cho biết: Từ tháng 8/2018, khi có nguy cơ bệnh DTLCP có khả năng lây lan, xâm nhiễm vào Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã báo cáo, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018 và tổ chức Hội nghị trực tuyến do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp, phòng chống dịch bệnh.

Một trong hàng loại giải pháp phòng, chống dịch tả châu Phi là phải chủ động giám sát và cảnh báo dịch bệnh, hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn; nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì báo cơ quan thú y địa phương lấy mẫu (trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật) để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh; cần tập trung đối với đàn lợn tại vùng bị dịch uy hiếp hoặc vùng giám sát.

Cơ quan thú y địa phương tổ chức lấy mẫu đối với lợn nghi mắc bệnh, lợn chết không rõ nguyên nhân trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp hoặc vùng giám sát và gửi đến phòng thí nghiệm thuộc Cục Thú y để xét nghiệm bệnh DTLCP.

(Theo Dân Trí)