Bước chuyển nông thôn mới ở Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/3/2019 | 8:10:15 AM

Năm 2018, toàn tỉnh Yên Bái đã có thêm 13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân một cách rõ rệt.

Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực đóng góp công sức xây dựng giao thông nông thôn.
Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực đóng góp công sức xây dựng giao thông nông thôn.

Khi bước vào chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Yên Bái gặp muôn vàn khó khăn, hầu hết các xã đều có xuất phát điểm thấp, cơ sở vật chất thiếu và yếu… nhưng sau hơn 8 năm triển khai thực hiện với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, toàn tỉnh đã có 46 xã đạt chuẩn NTM. 

Riêng trong năm 2018, đã có thêm 13 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. NTM đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân một cách rõ rệt.

Những cái được rõ nét nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn tiếp tục được cải thiện, phục vụ thiết thực hơn cho đời sống sinh hoạt và sản xuất cho người dân nông thôn. Thông qua cơ chế đầu tư đặc thù đối với các công trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM đã khuyến khích, vận động được người dân tham gia tích cực hơn vào XDNTM trên địa bàn. Khi thực hiện chương trình XDNTM, cái lo lắng nhất chính là vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhất là giao thông, thủy lợi, các thiết chế văn hóa. 

Nhưng sau 8 năm thực hiện, đến nay, hạ tầng nông thôn đã được đầu tư xây dựng, phát triển mạnh mẽ. Tính đến tháng 12/2018, toàn tỉnh đã có 63 xã đạt tiêu chí giao thông đạt 40,13%, 137 xã đạt tiêu chí thủy lợi đạt 87,26%, 62 xã đạt tiêu chí trường học, 62 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 64 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư đạt 40,76%, tăng 7,64% so với năm 2017… 

Đặc biệt, các xã đều xác định phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn. Hàng loạt các dự án, đề án đã được triển khai, xây dựng các mô hình kinh tế sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả cao như: trồng lúa chất lượng cao, trồng cây ăn quả có múi, mô hình trồng rau an toàn, trồng tre măng Bát độ, nuôi trồng thủy sản... 

Song song với đó, Yên Bái đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với người dân trong sản xuất khá hiệu quả. Yên Bái đang thực hiện các đề án tập trung vào những sản phẩm chủ lực của tỉnh có lợi thế, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh là tre măng Bát độ, sơn tra, cây ăn quả, chăn nuôi... 

Nhờ vậy, toàn tỉnh đã có 88 xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập, đạt 56,05% và có 75 xã đạt chuẩn tiêu chí hộ nghèo, đạt 47,77%, 151 xã đạt tiêu chí lao động có việc làm, đạt 96,18%, 109 xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất, đạt 69,43%. 

Ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: "Các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và XDNTM trong năm qua, nhất là năm 2018 đã thúc đẩy sản xuất, phương thức tổ chức sản xuất của người dân thay đổi tích cực, sản xuất đã chuyển dần sang sản xuất tập trung, phục vụ nhu cầu của thị trường. Từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ đã từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tạo ra năng suất và sản lượng cao hơn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Phong trào XDNTM được thúc đẩy và lan tỏa trên địa bàn toàn tỉnh, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc”. 

Sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển mạnh mẽ, các chỉ tiêu chủ yếu của ngành đều đạt và vượt so với kế hoạch. 

Lần đầu tiên Yên Bái đạt tổng sản lượng lương thực trên 307.405 tấn, tăng 1.309 tấn so với năm 2017, vượt 2,47% kế hoạch năm 2018. Tổng đàn gia súc chính đạt 695.000 con, đạt 100% kế hoạch giao (đàn trâu là 107.022 con; đàn bò là 27.892 con; đàn lợn là 560.086 con), sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 45.000 tấn. 

Từ một địa phương gần như không có vùng sản xuất hàng hóa nào, nay hình thành và phát triển vùng quế trên 70.000 ha, vùng tre măng Bát độ trên 4.000 ha, vùng chè 8.000 ha, vùng cây ăn quả gần 7.800 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản trên 22.300 ha... 

Hàng hóa nông sản Yên Bái như: cam, quýt Văn Chấn; tinh bột sắn, quế Văn Yên, Trấn Yên; bưởi Đại Minh, gạo Bạch Hà, huyện Yên Bình… đã được tiêu thụ khắp các tỉnh trong cả nước và có mặt trên các sạp hàng của các siêu thị…

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn những tồn tại cần được khắc phục là: khoảng cách chênh lệch về kết quả XDNTM giữa các huyện trong toàn tỉnh còn khá lớn, hiện còn huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải chưa có xã nào đạt chuẩn NTM. 

Bên cạnh đó, do tác động của thiên tai (bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất...) gây thiệt hại về tài sản, con người nên ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội, thu nhập, hộ nghèo, môi trường. 

Vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng ở một số địa bàn, phức tạp, khó xử lý; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nông sản vẫn đang là vấn đề nổi lên được xã hội quan tâm. Phát huy kết quả đạt được, giải quyết tốt những tồn tại, chắc chắn nông nghiệp, nông thôn Yên Bái ngày càng phát triển bền vững.

Ngọc Trúc