Hảng A Dò làm du lịch cộng đồng

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/3/2019 | 8:15:42 AM

YênBái - Đến xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, du khách dễ dàng bắt gặp một homestay nằm ngay giữa trung tâm xã - vị trí tiện lợi nhất có thể để chiêm ngưỡng cảnh sắc núi non hùng vĩ và những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp được xếp hạng danh thắng quốc gia. Chủ nhân của homestay này là anh Hảng A Dò.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải.
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải.

Tốt nghiệp Đại học Luật, những tưởng anh Dò sẽ công tác ở một cơ quan tư pháp hay chọn một công việc bàn giấy. Song, tình yêu đối với bản làng quê hương và ý tưởng làm du lịch ấp ủ từ lâu trong lòng đã thôi thúc anh quyết tâm theo đuổi niềm đam mê.

 Du lịch là nghề khá mới mẻ với người dân vùng cao, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông. Bởi vậy, khi bắt tay vào làm du lịch cộng đồng, anh Dò gặp phải không ít khó khăn vì chưa nhận được sự đồng thuận của người thân; chưa có đủ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ sinh hoạt của du khách; chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm về làm du lịch... 

Tuy vậy, bằng sự năng động, nhạy bén, tự tìm tòi học hỏi cách làm du lịch qua mạng Internet, sách báo, tài liệu và thực tế trải nghiệm, anh Dò đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư xây dựng các phòng nghỉ cho khách. Các phòng đều được anh bố trí có hướng nhìn rộng mở để du khách có thể "săn mây”, ngắm núi, chiêm ngưỡng vẻ đẹp diệu kỳ của Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; do đó, du khách vô cùng yêu thích. 

Chị Đặng Hải Anh - du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: "Năm nào tôi cũng tới Mù Cang Chải và đều chọn Dò Gừ homestay để nghỉ. Tôi thích sự bài trí tinh tế của homestay này và cả sự nhiệt tình, chu đáo, mến khách của chủ nhà”. 

Là người am hiểu phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc nên ngoài việc làm quản lý, anh Dò còn kiêm cả vai trò hướng dẫn viên du lịch. 

Những du khách nghỉ tại Dò Gừ homestay đều được anh tận tình chỉ dẫn, đưa tới những địa điểm đẹp để ngắm cảnh, hòa mình với thiên nhiên và tổ chức giao lưu, trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông. 

Vì thế mà, anh Dò cũng là "điểm nhấn” để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách. Trung bình mỗi năm, Dò Gừ homestay thu hút gần 1.000 lượt du khách, đem về nguồn thu nhập gần 300 triệu đồng. Khoản thu nhập này giúp gia đình anh Dò có điều kiện chăm lo cho con cái học hành và tiếp tục đầu tư, nâng cấp khu nghỉ dưỡng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. 

Học tập cách làm du lịch của gia đình anh Dò, hiện nay, nhiều gia đình người Mông ở xã La Pán Tẩn cũng tập trung sửa sang, tôn tạo nhà cửa để đón du khách. Đồng thời, tích cực trồng rau, nuôi gà "sạch”, làm các món ăn dân tộc cổ truyền để phục vụ nhu cầu ẩm thực của khách.

Thực tế cho thấy, du lịch cộng đồng đang mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho người dân vùng cao và không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn, phát huy những nét văn hoá độc đáo của đồng bào các dân tộc, mà du lịch cộng đồng còn tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh như Mù Cang Chải. Bởi vậy, cách làm du lịch cộng đồng của gia đình anh Dò rất cần được phát huy, nhân rộng ở xã La Pán Tẩn nói riêng và huyện vùng cao Mù Cang Chải nói chung.

Hồng Oanh