Để kèn lá vang mãi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/3/2019 | 8:18:34 AM

YênBái - Trước sự giao thoa văn hóa, nhiều bản sắc văn hóa dân tộc của người Mông đang dần mai một. Và kèn lá - loại nhạc cụ quen thuộc, có thể "hái" ở bất cứ đâu cũng không ngoại lệ.

Thành viên CLB Kèn lá biểu diễn thổi kèn lá cho khách du lịch.
Thành viên CLB Kèn lá biểu diễn thổi kèn lá cho khách du lịch.

Đứng trước nguy cơ đó, đôi bạn Hờ A Lìa và Hoàng Thị Thu Hoài - học sinh lớp 12B, Trường THPT Trạm Tấu đã thực hiện một số giải pháp hữu ích để bảo tồn và quảng bá nghệ thuật thổi kèn lá đến đông đảo bạn trẻ và nhân dân.

Để nghiên cứu cụ thể về thực trạng này, nhóm học sinh đã tiến hành lập phiếu khảo sát với 200 học sinh dân tộc Mông đến từ các xã khác nhau trên địa bàn huyện đang theo học tại Trường THPT Trạm Tấu. Có 47% học sinh cho rằng, không cần phải bảo tồn và quảng bá kèn lá. 

Những số liệu ấy cho thấy giới trẻ hiện nay không còn mặn mà với kèn lá và nguy cơ mai một giá trị văn hóa đang ở mức cao. Điều này thôi thúc các em đóng góp một phần công sức nhỏ bé để khơi dậy trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc. 

Không giống các loại nhạc cụ khác, kèn lá chỉ đơn giản là một chiếc lá cây tươi, bởi vậy, việc bảo tồn quan trọng là ở cách thổi hay, trọn vẹn và các giai điệu truyền thống của kèn lá. Không biết kèn lá có từ bao giờ chỉ biết rằng nó được truyền từ đời này sang đời khác bằng hình thức truyền miệng, các tư liệu chính thống về kèn lá có rất ít, thậm chí là không có. 

Nhận được sự giúp đỡ tích cực từ các cụ cao tuổi, nghệ nhân, đôi bạn đã có nhiều thông tin bổ ích cũng như những đề xuất thiết thực để xây dựng các giải pháp từ những người có kinh nghiệm. Theo đó, đôi bạn đã thực hiện các buổi tuyên truyền để người dân đặc biệt là các bạn trẻ hiểu rõ hơn về kèn lá. 

Trong các buổi tuyên truyền ngoại khóa, Lìa và Hoài chuẩn bị các tiết mục kèn lá đặc sắc, ấn tượng lồng ghép khéo léo vào chuyên đề để thu hút sự chú ý, kích thích sự yêu thích và nuôi dưỡng tình yêu với văn hóa dân gian. Để từ đó, mỗi học sinh sẽ trở thành một tuyên truyền viên, lan tỏa trách nhiệm bảo tồn văn hóa dân tộc đến gia đình, cộng đồng. 

Câu lạc bộ (CLB) Kèn lá cũng được thành lập, thu hút 28 thành viên tham gia để cùng nhau nghiên cứu, tìm hiểu ý nghĩa và giá trị của kèn lá cũng như học cách thổi theo giai điệu từ các nghệ nhân. Người đã biết dạy lại cho người chưa biết, nhờ đó mà có 21/28 thành viên biết thổi kèn lá, trong đó có 11 người thổi được theo giai điệu bài hát. 

Điểm đặc biệt, các thành viên trong CLB không chỉ biểu diễn ở trong Trường mà còn năng động liên kết với Khu du lịch Suối khoáng nóng tại khu 4, thị trấn Trạm Tấu để biểu diễn kèn lá cho khách du lịch, góp phần quảng bá giai điệu kèn lá tới đông đảo nhân dân. 

Chị Nguyễn Thu Hà - du khách đến từ thành phố Hà Nội cho biết: "Thật thú vị khi một chiếc lá có thể tạo ra những âm thanh đặc sắc và vang cao, lảnh lót đến vậy. Tôi có thể cảm nhận được tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót thanh cao hay tiếng thủ thỉ tâm tình, da diết qua tiếng kèn. Những âm thanh đó mà bị lãng quên thì thật đáng tiếc".

Sau một thời thực hiện các giải pháp thiết thực, một cuộc khảo sát đánh giá kết quả cho thấy sự quan tâm của các bạn trẻ tới kèn lá được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ học sinh thích nghe kèn lá được nâng lên từ 27% lên 84%; 53% muốn học thổi kèn lá; 74% học sinh đã hiểu được giá trị văn hóa của kèn lá. Tuy những giải pháp ấy mới chỉ tác động tới giới trẻ nhưng sự lan tỏa trách nhiệm tuổi trẻ trong việc bảo tồn, quảng bá kèn lá đang và sẽ góp phần để tiếng kèn lá ngân xa và vang mãi trong tương lai.

H.A