Giải pháp an sinh xã hội ở Văn Chấn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/3/2019 | 2:28:20 PM

Năm 2018, huyện Văn Chấn giải quyết việc làm mới cho 3.982/3.900 lao động; xuất khẩu lao động 237 người; 2.704 người được đào tạo và dạy nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 40,69%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1.722 hộ tương đương với 4,84%.

Khu du lịch Suối Giàng, huyện Văn Chấn là mô hình kinh tế tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Khu du lịch Suối Giàng, huyện Văn Chấn là mô hình kinh tế tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Trước thực trạng chất lượng nguồn lao động chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi số lao động có tay nghề chiếm tỷ lệ không cao; công tác đào tạo nghề so với thực tiễn công việc và nguồn nhân lực chưa tương xứng; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng chưa bền vững, số hộ nghèo và cận nghèo phát sinh hàng năm còn cao… 

Huyện Văn Chấn xác định nguyên nhân chủ yếu là do một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm và có giải pháp hữu hiệu trong chỉ đạo triển khai thực hiện công tác giảm nghèo tại địa phương; sử dụng nguồn lực đầu tư ở một số xã vùng sâu, vùng cao chưa đạt hiệu quả; vai trò của các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế trong việc hỗ trợ hộ nghèo theo mối liên kết ba nhà "Nhà nông - Nhà doanh nghiệp - Nhà nước” còn hạn chế, chưa đạt được vai trò đầu tầu trong việc thúc đẩy kinh tế hộ nông dân phát triển. Đặc biệt, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại và không muốn thoát nghèo của một bộ phận người dân... 

Năm 2019, thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2019, huyện Văn Chấn đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 7,1%; tạo việc làm mới cho 3.950 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49%; số lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp đạt 1.420 người. 

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu này, ngay từ đầu năm, huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch chi tiết phân bổ rõ số lượng, chỉ tiêu cho các xã, thị trấn. 

Đồng thời, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm; phát triển và tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về thị trường lao động; ưu tiên tạo điều kiện giải quyết việc làm thông qua phát triển kinh tế tại địa phương; nhân rộng các mô hình, dự án tạo việc làm; chú trọng phát triển nguồn nhân lực khu vực nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn và vùng dân tộc thiểu số; đảm bảo sự công bằng về cơ hội đào tạo nghề; giảm chênh lệch việc làm và thu nhập giữa các vùng, miền, nhất là các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn so với mức trung bình của cả huyện. 

Cùng với đó, huyện yêu cầu các cơ quan chức năng phải tuyên truyền rộng rãi tới nhân dân các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xuất khẩu lao động năm 2019 tại các xã, thị trấn; từ đó, giúp nhân dân nhận thức toàn diện hơn về lợi ích của việc xuất khẩu lao động, đặc biệt là cung cấp các thông tin công khai về thị trường cho người lao động; kiểm tra lựa chọn những đơn vị có khả năng và phải có cơ chế ràng buộc rõ trách nhiệm giữa công ty tham gia xuất khẩu lao động với các địa phương và người lao động… Phấn đấu năm 2019, toàn huyện có trên 400 người xuất khẩu lao động.

Được biết, huyện Văn Chấn đang tiến hành rà soát, phân tích, đánh giá đúng thực trạng nguồn lao động; nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, dân tộc thiểu số và nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp trên địa bàn. Trên cơ sở đó, xác định đúng danh mục nghề đào tạo; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm phù hợp gắn với quy hoạch, kế hoạch đào tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Đồng thời, gắn đào tạo nghề với tư vấn, giới thiệu việc làm theo yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước; giải quyết tốt công tác tạo việc làm sau dạy nghề cho người lao động. 

Trần Ngọc