6 vấn đề sinh viên mới ra trường mắc phải khi tìm việc

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/4/2019 | 2:01:09 PM

Những gì diễn ra ở môi trường làm việc thường rất khác so với môi trường giảng đường, điều này khiến sinh viên mới tốt nghiệp sẽ gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm phù hợp.

Các em học sinh trường THPT Lục Ngạn số 3, Bắc Giang tham gia hoạt động hướng nghiệp của Canon và các đơn vị tổ chức.
Các em học sinh trường THPT Lục Ngạn số 3, Bắc Giang tham gia hoạt động hướng nghiệp của Canon và các đơn vị tổ chức.

Dưới đây là một số vấn đề thường gây cản trở thành công trên chặng đường tìm việc của sinh viên mới ra trường, bạn có thể tham khảo để có cách khắc phục nhé.  


Chưa thực sự trưởng thành

"Tính trẻ con” là một nhược điểm lớn ở các sinh viên mới tốt nghiệp. Những sinh viên chưa từng "nếm trải hương vị” của thế giới làm việc có thể không có ý thức về trách nhiệm thực sự. Điều này có nghĩa rằng họ có thể không thể xử lý thỏa đáng các yêu cầu của công việc hàng ngày, không biết cần phải làm gì và được mong đợi đạt được kết quả nào.

Ngoài ra, khi áp lực tăng lên, họ có thể cư xử như một đứa trẻ khi họ không có cách nào khác. Tại sao lại như vậy? Có khả năng vì họ chưa từng phải giao tiếp với người có thẩm quyền trừ cha mẹ hoặc thầy cô - những người không đặt ra những yêu cầu tương tự như người quản lý của họ. Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng Careerlink.vn chia sẻ, điều này cũng có thể khiến họ từ bỏ tìm kiếm công việc khi mọi thứ không được suôn sẻ.

Trong khi mọi thứ ở trường đã được lên lịch sẵn như ngày nào học môn gì, khi nào thi giữa kỳ hoặc cuối kỳ thì ở thế giới việc làm mọi việc sẽ không đi theo một con đường duy nhất và có lúc bạn phải đối mặt với khó khăn. Khi đó, hãy ứng xử như một người đã trưởng thành nhé.

Bị ảnh hưởng bởi người khác

Khi mới tốt nghiệp, bạn sẽ nhận được rất nhiều lời khuyên từ người khác về những bước sự nghiệp tiếp theo nên làm gì. Gia đình có thể bảo bạn tìm việc càng sớm càng tốt trong khi bạn bè khuyên rằng nên du học để nâng cao trình độ hoặc một số khác sẽ bảo bạn bắt đầu kinh doanh riêng...

Mọi người bạn gặp sẽ có một lời khuyên cho bạn nhưng không có giải pháp thực sự nào giúp bạn tìm được việc đúng chuyên môn để có thể kiếm được thu nhập. Do đó, hãy cân nhắc mọi lời khuyên một cách khách quan nhất có thể và đưa ra quyết định cuối cùng của riêng bạn.

Không hiểu về thị trường việc làm

Bị trả lương thấp là một vấn đề mà sinh viên mới tốt nghiệp phải đối mặt thường xuyên bởi đơn giản là họ không nắm bắt được thị trường lao động để biết nên được trả lương bao nhiêu là phù hợp. Do đó, tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm về quyền lợi của người lao động sẽ là ý tưởng tốt khi tìm kiếm công việc, đặc biệt khi thỏa thuận với nhà tuyển dụng về mức lương hay các phúc lợi khác.

"Tiếp thị” bản thân không tốt

Quảng bá hình ảnh bản thân kém cũng là một vấn đề phổ biến đối với sinh viên mới tốt nghiệp khi tìm kiếm việc làm. Hầu hết họ không biết thể hiện bản thân theo cách tốt nhất, làm nổi bật những điểm mạnh và hạn chế phơi bày khuyết điểm.

Việc các nhà tuyển dụng sử dụng internet để tìm hiểu thêm về ứng viên ngày càng trở nên phổ biến, do đó nếu muốn trông thật chuyên nghiệp, bạn nên để chế độ riêng tư đối với các hình ảnh, lời nói không tích cực hoặc có thể gây hiểu lầm trên mạng xã hội. Tất nhiên, hầu hết các nhà tuyển dụng đều hiểu rằng nhân viên cần có cuộc sống bên ngoài công việc nhưng họ muốn đảm bảo họ tuyển dụng được người giỏi nhất có thể đại diện cho công ty của họ. Vậy nên, hãy "làm đẹp” các tài khoản mạng xã hội của bạn trước khi bắt đầu ứng tuyển nhé!

Kỳ vọng cao

Suy nghĩ thực tế có thể là một vấn đề khác đối với sinh viên mới tốt nghiệp, vì họ có thể tin rằng mình sẽ tìm được công việc mơ ước chỉ vì đã được đào tạo nhiều năm trong ngành nghề đó. Tuy nhiên, điều này không luôn luôn đúng và nó là một thực tế khó đối mặt nếu bạn đặt ra kỳ vọng quá cao.

Nhận ra rằng có nhiều yếu tố khác cũng rất quan trọng trong quá trình tuyển dụng vượt xa hơn cả những gì bạn học ở trường sẽ đưa bạn trở lại mặt đất và tập trung vào những gì hợp với khả năng.

Chưa có kinh nghiệm làm việc

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là thiếu kinh nghiệm chuyên môn. Sau khi tốt nghiệp, không chắc rằng sinh viên đã có đủ thời gian để tích lũy kinh nghiệm trong ngành nghề, đồng nghĩa với việc họ ít có khả năng nhận được công việc mong muốn so với người có trình độ cao hơn.

Đây có thể là một thách thức nhưng cách tốt nhất để tìm việc làm sau khi tốt nghiệp là mở rộng trải nghiệm và làm việc chăm chỉ. Một cách tuyệt vời để có được kinh nghiệm là tham gia một khóa thực tập bởi nó sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ nét hơn về thực tiễn công việc đồng thời tăng cơ hội được tuyển vào vị trí toàn thời gian.

(Theo TPO)