Văn Chấn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/4/2019 | 8:12:48 AM

YênBái - Huyện Văn Chấn có 18 dân tộc anh em cùng sinh sống nên bản sắc văn hóa truyền thống rất phong phú và đặc sắc. 

Nét đẹp văn hóa truyền thống được người dân huyện Văn Chấn giữ gìn và phát huy.
Nét đẹp văn hóa truyền thống được người dân huyện Văn Chấn giữ gìn và phát huy.

Vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân đã quan tâm thực hiện những biện pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiên tiến mang đậm bản sắc dân tộc.

Ông Đặng Duy Hiển - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết, để thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số, huyện tiếp tục đề ra các giải pháp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc biết tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, phong tục tốt đẹp, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tích cực. 

Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Ngoài ra, huyện cũng luôn tạo điều kiện bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc; khuyến khích sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, thống kê, phân loại và lưu giữ các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian... 

Bên cạnh đó, huyện khuyến khích duy trì những phong tục tập quán của các dân tộc, bài trừ hủ tục ảnh hưởng đời sống văn hóa người dân; khơi dậy sức sáng tạo trong các hình thức sinh hoạt cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa trong thời kỳ mới; giữ gìn truyền thống văn hóa gia đình, làng, bản, khu phố, tạo điều kiện cho quần chúng tiếp nhận thông tin về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.

Ông Lường Văn Tâm - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử, tổ chức lễ hội, xây dựng văn bản, đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định công nhận các di tích văn hóa. 

"Mỗi năm, Phòng phối hợp với cơ sở tổ chức nhiều chương trình văn hóa văn nghệ. Các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn được chú trọng khai thác phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân” - ông Tâm nói. 

Thời gian qua, huyện đã thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn như: các nhà truyền thống của dân tộc Thái, Mông; các trang phục, nhạc cụ dân tộc truyền thống của dân tộc Thái, Dao, Mông; các lễ hội truyền thống của các dân tộc; các nghề truyền thống dân tộc: nghề rèn của người Mông; nghề dệt thổ cẩm của người Thái; nghề đan lát người Mông, người Thái… 

Cùng với đó, huyện bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số, hàng năm, các lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số thường xuyên được tổ chức và duy trì, bảo đảm tính nguyên mẫu, ý nghĩa đối với từng dân tộc như: Lễ hội Lồng tồng, Xên đông dân tộc Thái; Lễ hội Tăm khảu mảu dân tộc Tày; Lễ hội Cầu mùa dân tộc Khơ Mú… 

Ngoài ra, huyện đã nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích - danh thắng trên địa bàn. Đến nay, trên địa bàn huyện có 12 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia, 10 di tích cấp tỉnh.

Thời gian tới, huyện Văn Chấn sẽ tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa. Song song với đó, huyện chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch sưu tầm, khảo sát, nghiên cứu, phục dựng bảo tồn những nét đẹp văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trần Minh