Tiêm vắc - xin để phòng bệnh chủ động và hiệu quả

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/4/2019 | 7:59:38 AM

YênBái - Tiêm phòng vắc - xin cho đàn vật nuôi là một trong những biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất.

Người dân cần tiêm phòng vắc - xin định kỳ cho đàn gia súc để phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Người dân cần tiêm phòng vắc - xin định kỳ cho đàn gia súc để phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Đặc biệt là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì công tác tiêm phòng vắc - xin giúp bảo vệ đàn vật nuôi phát triển ổn định, bền vững. Nhất là trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) và bệnh lở mồm long móng (LMLM) như hiện nay thì công tác tiêm phòng phải luôn được đặt lên hàng đầu.

Bắt tay vào chăn nuôi hơn một năm nay với quy mô 100 con lợn thịt và 18  lợn nái trên lứa, anh Cù Văn Lượng ở thôn Đá Chồng, xã  Đại Đồng, huyện Yên Bình cho biết: để đàn lợn phát triển nhanh, không bị mắc bệnh, ngoài thuốc của Nhà nước cấp để phun tiêu độc khử trùng, anh cũng chủ động mua thuốc về để phun 2 lần/tuần, vào thời điểm nhạy cảm phòng chống dịch thì ngày anh phun 1 lần. Anh chia sẻ: "Mình chăn nuôi quy mô lớn, chuyên nghiệp nên tiêm phòng các loại vắc - xin luôn được ưu tiên hàng đầu”. 

Cũng là một trong số những hộ chăn nuôi lợn nhiều nhất, nhì xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái với gần 150 con, trong đó 15 lợn nái, mỗi năm gia đình ông Nguyễn Xuân Thắng ở thôn Trấn Ninh xuất chuồng trên 26 tấn lợn hơi, thu nhập hàng trăm triệu đồng. Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông đang áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ đàn lợn, trong đó biện pháp tiêm phòng được đặt lên hàng đầu. 

Ông cho biết: "Khi tái đàn chăn nuôi, lợn giống được gia đình tiêm đầy đủ các loại vắc - xin. Đợt vừa qua, để phòng, chống bệnh LMLM gia đình cũng đã mua vắc - xin LMLM type O về tiêm nên đàn lợn của gia đình được bảo vệ an toàn”.

Thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ tiêm vắc - xin tụ huyết trùng và bệnh dịch tả lợn cho các hộ chăn nuôi ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn theo chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ phun tiêu độc khử trùng cho các hộ dân. 

Tuy nhiên, đối với vùng thấp người dân không được áp dụng chính sách này mà phải bỏ 31.000 đồng để tiêm vắc - xin LMLM, 7.100 đồng để tiêm vắc - xin dịch tả và tụ huyết trùng cho 1 con lợn nên nhiều người dân, nhất là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa chú trọng tiêm phòng trong khi chu kỳ tiêm yêu cầu thực hiện 6 tháng/lần. 

Tiêm phòng vắc - xin là một trong những biện pháp tích cực trong phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, vì vậy các cấp và ngành chuyên môn cần quyết liệt đẩy mạnh công tác tiêm phòng. 

Đặc biệt, ngành chuyên môn các huyện, thị xã, thành phố cần hướng dẫn, đôn đốc triển khai kế hoạch tiêm phòng vắc - xin; thống kê, rà soát, lên danh sách đàn vật nuôi thuộc diện phải tiêm cho từng thôn, từng hộ; khuyến cáo người chăn nuôi chủ động phối hợp tiêm phòng vắc - xin đối với đàn vật nuôi theo quy định tại Thông tư số 07 ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm không thực hiện tiêm phòng theo quy định.

Hồng Duyên