Yên Bái: Nâng cao nhận thức phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/4/2019 | 8:11:55 AM

YênBái - Các địa phương, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai cấp bách các biện pháp ngăn chặn dịch. Trong đó, từ ngày 21/3, tỉnh đã thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tại huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải. 

Phun tiêu độc khử trùng các phương tiện giao thông qua chốt kiểm dịch tạm thời trên địa bàn huyện Mù Cang Chải.
Phun tiêu độc khử trùng các phương tiện giao thông qua chốt kiểm dịch tạm thời trên địa bàn huyện Mù Cang Chải.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP) vẫn đang có chiều hướng lây lan rộng. Trong đó, có các tỉnh giáp ranh với Yên Bái như: Sơn La, Lai Châu và Vĩnh Phúc đã bùng phát dịch và nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh có thể xảy ra. Do đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân từ phòng, chống dịch bệnh, giám sát, kiểm soát giết mổ được đặt lên hàng đầu và càng trở nên cấp bách.

Trước tình hình đó, các địa phương, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai cấp bách các biện pháp ngăn chặn dịch. Trong đó, từ ngày 21/3, tỉnh đã thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật (CKDĐV) tại huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải. 

Tại huyện Văn Chấn, CKDĐV được đặt trên tuyến quốc lộ 37 thuộc khu vực thôn Đá Đỏ, xã Thượng Bằng La - nơi giáp ranh với tỉnh Sơn La; huyện Mù Cang Chải thành lập CKDĐV trên tuyến quốc lộ 32, tại địa phận bản Trống Là, xã Hồ Bốn - địa bàn giáp ranh với tỉnh Lai Châu. 

Các CKDĐV có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát và phun tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển, buôn bán, kinh doanh, tiêu thụ động vật nhằm ngăn chặn sự xâm nhiễm của BDTLCP vào địa bàn. Các phương tiện ô tô từ ngoài địa bàn qua chốt, đều được cán bộ thú y phun tiêu độc khử trùng. 

Sau gần 1 tháng hoạt động, 2 CKDĐV đã kiểm tra và phun tiêu độc khử trùng cho gần 2.800 phương tiện. Trong đó, chốt tại huyện Mù Cang Chải phun được trên 2.350 phương tiện. 

Ông Nguyễn Viết Đỉnh - nhân viên Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Mù Cang Chải, Trưởng chốt cho biết: "Nhiệm vụ của chúng tôi trực kiểm soát 24/24 giờ các ngày trong tuần, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật. Chốt có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua chốt; phun tiêu độc khử trùng cho các phương tiện giao thông đi vào địa bàn huyện; phát tờ rơi về mức độ nguy hiểm và dấu hiệu nhận biết dịch bệnh... Hầu hết các chủ phương tiện qua chốt đều chấp hành và hợp tác với chúng tôi để phun khử trùng phương tiện”.

Là địa bàn có nguy cơ xâm nhiễm BDTLCP cao, huyện Văn Chấn hiện đang tích cực triển khai các giải pháp trong việc ngăn chặn dịch. Theo đó, huyện đã tổ chức tập huấn cho cán bộ chăn nuôi thú y, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân không hoang mang, không bán tháo lợn và vận động người chăn nuôi cam kết thực hiện 5 không: không giấu dịch; không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. 

Ngoài ra, cũng chuẩn bị các phương án nếu có dịch bệnh xảy ra, huyện sẽ khoanh vùng và tiêu hủy triệt để, tránh tình trạng lây lan, giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội của địa phương. 

Ông Nông Ích Chấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch và phân công cho các thành viên phụ trách các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tiêm phòng, phun tiêu độc khử trùng; vận động người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn; ký cam kết áp dụng các biện pháp phòng chống dịch và quyết tâm cao trong ngăn chặn không để dịch xâm nhập vào địa bàn. 

Theo Cục Thú y, BDTLCP cơ bản đã được khống chế. Tính đến 16/4, có 23 ổ dịch của 7 huyện thuộc 7 tỉnh, thành đã qua 30 ngày; trong đó, có 2 tỉnh là Hòa Bình và Bắc Kạn đã công bố hết dịch. Như vậy, hiện còn 21 tỉnh, thành còn ổ BDTLCP. Tuy nhiên, tỉnh Yên Bái vẫn đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn dịch. 

Trong đó, tỉnh đã cấp gần 6.000 lít thuốc sát trùng phun tiêu độc khử trùng; thành lập đoàn công tác liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, tiêu thụ và giết mổ các sản phẩm động vật... bởi đặc thù chăn nuôi của tỉnh cơ bản nhỏ lẻ, không tập trung, do đó, việc kiểm soát bảo đảm an toàn dịch bệnh chưa được nhiều người chăn nuôi chú trọng; chưa có cơ sở giết mổ gia súc tập trung gây khó khăn cho công tác kiểm dịch và kiểm soát giết mổ. 

Trước thực tế đó, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, hướng dẫn người chăn nuôi phòng, chống dịch, đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, công nghệ cao; tiếp tục tuyên truyền vận động người tiêu dùng không quay lưng lại với các sản phẩm từ thịt lợn; tăng cường kiểm soát giết mổ, vận chuyển động vật... 

Hồng Duyên