Ông Lò Minh Tâm - người uy tín ở Bản Noọng

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/4/2019 | 6:43:13 AM

YênBái - Với vai trò, trách nhiệm là Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Pú Trạng, Trưởng ban Công tác Mặt trận Tổ dân phố Bản Noọng, thị xã Nghĩa Lộ, ông  đã vận động nhân dân trong bản tích cực phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, thực hiện tốt hương ước, quy ước và các quy định trong việc tang, lễ hội, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc mình

Cùng với tham gia công tác xã hội, ông Lò Minh Tâm luôn tích cực lao động, sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.
Cùng với tham gia công tác xã hội, ông Lò Minh Tâm luôn tích cực lao động, sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.

Ông Lò Minh Tâm, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ là người dân tộc Thái đen lớn lên trên mảnh đất Mường Lò. Từ nhỏ ông đã học được những phong tục, tập quán, nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc mình từ ông bà, bố mẹ. Lúc đó, bố ông thường dạy đàn tính tẩu, thổi khèn bè, thổi pí ló, đàn môi, đánh trống, đánh chiêng, tằng bẳng, mắc hính và các điệu xoè, điệu múa dân gian. 

Khi lớn lên, ông được học chữ và học từ các ông, bà trong bản những điệu múa dân gian, những lời khắp giao duyên, các lễ hội, các món ăn truyền thống của dân tộc Thái, được dạy cả chữ viết Thái cổ. 

Từ nhận thức của bản thân và lòng đam mê, yêu thích văn hoá của dân tộc mình, khi nghỉ dạy học về hưu, được nhân dân tín nhiệm bầu là người có uy tín, ông luôn gương mẫu, đi đầu có trách nhiệm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc Thái. 

Với vai trò, trách nhiệm là Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Pú Trạng, Trưởng ban Công tác Mặt trận Tổ dân phố Bản Noọng, thị xã Nghĩa Lộ, ông và gia đình luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; các quy định của địa phương; hương ước, quy ước của bản đề ra. 

Ông thường vận động nhân dân trong bản cùng thực hiện, tích cực phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, thực hiện tốt hương ước, quy ước và các quy định trong việc tang, lễ hội, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc mình: không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thực hiện tốt kế hoạch hoá gia đình, mỗi cặp vợ, chồng chỉ sinh từ một đến hai con. 

Thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở khu dân cư, ông tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nếp sống văn hoá, giữ gìn các giá trị văn hoá truyền thống của người Thái như xây dựng nhà sàn, bảo tồn các món ăn truyền thống của dân tộc như xôi ngũ sắc, thịt, cá nướng, bánh chưng đen..., giữ gìn và phát huy 6 điệu xòe cổ, góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Thái. Hàng năm, thị xã Nghĩa Lộ tổ chức Tuần Văn hoá -  Du lịch Mường Lò, ông Tâm đã tích cực tuyên truyền bà con sắp xếp công việc hợp lý, ngày tham gia lao động sản xuất, tối tham gia múa xòe để quảng bá giá trị văn hóa của dân tộc Thái Mường Lò - Nghĩa Lộ. 

Ông Tâm cũng trăn trở: để tạo điều kiện cho các nghệ nhân giỏi nghề, có tâm huyết, có sân chơi để sinh hoạt, sáng tác và truyền nghề cho thế hệ kế cận, cần xã hội hóa và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch; thị xã hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân mở lớp nghệ thuật ca hát, múa, đánh trống chiêng, đàn sáo, khèn bè,... nhằm lưu truyền cho các thế hệ sau ý thức bảo tồn văn hoá cội nguồn, nâng cao ý thức tự tôn dân tộc.

                                                                                                                                             Nguyễn Cao