Báo Đáp tự hào viết tiếp trang sử mới

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/4/2019 | 10:02:17 AM

YênBái - Đoàn viên Nguyễn Văn Thịnh nhận quyết định nhập ngũ cũng là lúc bố và em ruột bị bom Mỹ giết hại. Địa phương cho phép tạm hoãn nhập ngũ nhưng anh vẫn lên đường ra trận và anh dũng hy sinh. Ngày mai của những ngày mai, người Báo Đáp tự hào truyền thống quê hương anh hùng để tự tin nối bước cha ông, viết tiếp những trang sử mới…
 

Ông Nguyễn Duy Thêm (bên phải) và ông Trần Quang Trung - Chủ tịch UBND xã Báo Đáp cùng nhau ôn lại truyền thống lịch sử Đảng bộ địa phương.
Ông Nguyễn Duy Thêm (bên phải) và ông Trần Quang Trung - Chủ tịch UBND xã Báo Đáp cùng nhau ôn lại truyền thống lịch sử Đảng bộ địa phương.

Thời gian đang trôi về những ngày cuối tháng Tư, nắng rực rỡ trong mềm xanh sắc dâu khắp đồng đất xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên. Cây dâu lại bắt đầu tốt vụ lá nuôi bao nhiêu đời tằm rút ruột nhả tơ cũng là nuôi bấy nhiêu ước vọng về một tương lai tươi sáng. Ngày mai của những ngày mai, người Báo Đáp tự hào truyền thống quê hương anh hùng để tự tin nối bước cha ông, viết tiếp những trang sử mới…

Bà Trần Thị Phương ở thôn Đồng Trạng năm nay vừa tròn tuổi 70 với 50 năm tuổi Đảng. Sum vầy con cháu, thanh thản hưởng phúc, bà Phương càng trân trọng mỗi giây phút này khi đã trải qua những tháng ngày chiến tranh ác liệt cùng làng xóm, quê hương, đất nước. 

Gian khổ, thiếu thốn thật nhiều nhưng nhớ về một thời thanh niên sôi nổi thì thanh xuân của bà bỗng chợt trào dâng: "Nói đến lúc bấy giờ thì tuyệt vời lắm! Tuyệt vời bởi tinh thần, bởi ý chí của mỗi con người, của mỗi xóm làng, của cả quê hương. Giặc đánh ngày thì mình cày bừa đêm. Ngày trực chiến thì đêm mình sản xuất. Báo Đáp ngày ấy hừng hực khí thế sống hết mình vì miền Nam ruột thịt, lòng yêu nước thể hiện ở hành động "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, tất cả vì tiền tuyến lớn, vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước”. 

Những năm 1965 - 1975, nhiều vị trí công tác khác nhau được bà Phương lần lượt đảm trách: giáo viên vỡ lòng, Bí thư Xã đoàn, Chính trị viên Xã đội, Đội trưởng Đội sản xuất… 

Bà Phương kể rằng, các anh tình nguyện nhập ngũ thì chị em ở lại tham gia tất cả hoạt động của địa phương. Việc gia đình, con cái và việc sản xuất, phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, phụ nữ đã lo tròn và làm không biết mệt. Thời chiến tranh, các hoạt động đều phải tranh thủ, khẩn trương, không thể chờ đông đủ mới họp mà bà đến gặp từng nhóm để truyền đạt chủ trương của cấp trên. 

Quý từng giây từng phút, công việc yêu cầu gì phải nói ngay và luôn, tiền phương cần gì thì hậu phương sẽ đáp ứng: cần người thì các đồng chí tình nguyện xung phong, cần lương thực thì sẽ quyết tâm chi viện đủ. Với tinh thần sản xuất không bỏ ruộng hoang, tổng sản lượng thóc từ năm 1965 đến năm 1972 của xã bình quân mỗi năm thu được là 580 tấn. 

Báo Đáp đóng góp các chỉ tiêu nghĩa vụ thường vượt mức từ 25% - 50% kế hoạch giao, riêng lương thực hàng năm kế hoạch giao thuế 60 tấn thóc, bán nghĩa vụ 15 - 20 tấn thóc nhưng thường giao vượt lên 90 - 100 tấn, đặc biệt năm 1969 và năm 1974 hoàn thành 120 tấn, vượt kế hoạch 40 tấn. 

Phong trào ủng hộ bộ đội chủ lực chiến đấu tại chỗ cũng được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng: từ năm 1965 - 1968, các hợp tác xã ủng hộ 8 con trâu, 500 kg lợn hơi, trên 1 tấn rau xanh, 500 m3 củi… Bà Phương và bao người đã đan kết vào nhau làm nên một hậu phương lớn, vững mạnh cả tinh thần lẫn vật chất. 

Xứng đáng với hậu phương ấy, đoàn viên thanh niên nam của Báo Đáp cũng nêu cao chí khí. Chỉ tính riêng từ năm 1965 - 1968, đã có hơn 100 thanh niên tình nguyện vào bộ đội, trong đó có 30 thanh niên viết đơn bằng máu của mình. 

Người Báo Đáp, quê hương Báo Đáp mãi nhắc tên đoàn viên Nguyễn Văn Thịnh khi nhận quyết định nhập ngũ cũng là lúc bố và em ruột bị bom Mỹ giết hại. Địa phương cho phép tạm hoãn nhập ngũ nhưng anh vẫn lên đường ra trận và anh dũng hy sinh tại chiến trường miền Nam. 

Suốt thời kỳ chống Mỹ, xã có 480 người vào bộ đội, công an nhân dân, công nhân quốc phòng; 3 thanh niên từ chối vào đại học để tình nguyện nhập ngũ; nhiều gia đình có từ 2 con trở lên đều tình nguyện vào bộ đội; 2 gia đình có con độc nhất vào bộ đội; 1 gia đình có 5 người con và 5 gia đình có 3 người con đều có mặt ở chiến trường. 

Có khá nhiều lý do để ông Nguyễn Duy Thêm ở thôn Đồng Gianh được nhiều người biết đến: 17 tuổi viết đơn tình nguyện vào bộ đội bằng máu, là con độc nhất trong gia đình một mẹ một con, sau này trở thành Bí thư Đảng ủy xã Báo Đáp (năm 1988 - 1991), hiện nay là Chủ nhiệm Câu lạc bộ đàn hát dân ca của xã. 

Nở nụ cười hồn hậu, ông Thêm nhẹ nhàng: "Thời ấy thì ai cũng muốn được ra trận chứ không riêng tôi. Ngày ngày ngóng tin tiền tuyến, cả xã ai cũng đọc câu thơ: "Ra đi giữ trọn lời thề/ Đánh tan giặc Mỹ mới về quê hương” nên lớp thanh niên chúng tôi càng sục sôi khí thế. Thuộc diện gia đình chính sách song tôi vẫn tình nguyện đi bộ đội. Nhập ngũ ngày 15/7/1967, tập trung ở Tân Hương, Yên Bình để làm lán trại khoảng nửa tháng rồi mới bắt đầu huấn luyện thì suốt thời gian đó, cấp trên mấy lần động viên tôi quay về với lý do gia đình neo đơn, tuổi còn trẻ". 

"Lần cuối, cấp trên quyết liệt nhất yêu cầu trở về quê hương tham gia sản xuất, tôi nghĩ chỉ có cách viết đơn bằng máu mới thể hiện rõ quyết tâm của bản thân và cuối cùng là tôi đã có tên trong danh sách Tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 2, Tiểu đoàn Yên Ninh 1” - ông Thêm kể. 

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông Thêm là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 tham gia giải phóng thị xã Tân An, tỉnh Long An. Ông trở về quê hương Báo Đáp sau 19 năm 2 tháng trong quân ngũ. Hạnh phúc lớn nhất cuộc đời ông là được tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và may mắn lớn nhất là được trở về trong hòa bình, vui cuộc sống đời thường giản dị. 

Báo Đáp anh hùng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, có một phần công sức của những con người như bà Phương, như ông Thêm và của cả một thế hệ "Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Viết tiếp trang sử hào hùng, Báo Đáp tự hào đi lên cùng đất nước. Năm 2015, xã là một trong hai địa phương đầu tiên của tỉnh Yên Bái đạt chuẩn nông thôn mới. 

Chưa phải là điểm dừng, tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao sẽ là đích đến của xã để nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững, nhân dân thực sự hưởng lợi như lời khẳng định của ông Trần Quang Trung - Chủ tịch UBND xã Báo Đáp. 

Tự hào đi cùng trách nhiệm và lòng tự trọng, nỗ lực của tập thể cán bộ, đảng viên và của mỗi người dân đối với tương lai của địa phương. Nếu biết Báo Đáp trong dòng chảy thời gian của quá khứ thì chắc hẳn sẽ tin Báo Đáp ở ngày mai. 

Bà Vũ Thị Vĩnh - vợ ông Nguyễn Duy Thêm ngân nga câu hát chèo trong "Khúc hát trên nương dâu” với niềm tin về công cuộc xây dựng nông thôn mới, với biến chuyển mạnh mẽ từ cây dâu con tằm của quê hương hôm nay. Tiếng hát hòa quyện tiếng gió, tiếng lòng xốn xang. Hiên nhà tràn nắng, đung đưa đóa loa kèn tinh khôi sắc trắng. Dáng loa kèn xòe rộng, tựa những chiếc loa năm nào báo tin vui đại thắng mùa Xuân lịch sử của đất nước vọng vang…

Nguyễn Thơm