Lục Yên: Cần biện pháp cấp bách diệt sâu keo hại ngô

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/4/2019 | 10:27:33 AM

YênBái - Cách nào để diệt trừ loại sâu này đang là câu hỏi cấp thiết dành cho giới chuyên môn. Nếu chậm thì không chỉ người trồng ngô ở Phan Thanh, Tân Lập trắng tay, mà sẽ nguy cơ với nhiều loại cây trồng khác; việc khống chế sẽ rất tốn công, của và quan trọng hơn nữa là có thể còn nguy hại tới môi trường.

Năm nay nước hồ Thác Bà rút chậm, người dân xã Phan Thanh (Lục Yên) chỉ kịp trồng được gần ba chục ha trong số diện tích 50 ha đất soi bãi dành để trồng ngô. Vậy mà gần chục ha trong số đó đã bị sâu phá hại. Nhiều loại thuốc đưa vào phun diệt trừ song dường như không hiệu quả, bắt sâu bằng tay vẫn đang được cho là biện pháp tốt hơn cả với người dân Phan Thanh.

Cùng dải đất bãi sông Chảy, hàng chục ha ngô của người dân xã Tân Lập cũng đã không thoát khỏi sâu keo tấn công. Cán bộ khuyến nông đã hướng dẫn người dân diệt trừ bằng thử nghiệm nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, hầu hết ngô trồng lứa một đã qua nạn sâu phá và trổ cờ nhưng lứa 2 mới được dăm bảy lá thì mối đe dọa đang cận kề.



Đối tượng sâu được miêu tả rất giống với loài sâu keo mà Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cảnh báo



Nhiều diện tích đã bị sâu hại từ lá đến ngọn và cả thân cây.



Cán bộ Trung tâm Hỗ trợ, dịch vụ phát triển nông nghiệp Lục Yên cùng người dân xem xét các loại thuốc trừ đã dùng.

Nếu đúng là loài sâu đang hoành hành trên diện tích ngô của người dân Lục Yên thì đây có thể coi là hiểm họa. Bởi theo khuyến cáo, sâu keo mùa thu có thể gây hại trên 80 loại cây trồng, đặc biệt gây hại nặng trên ngô, lúa, kê và cây mía. Cách nào để diệt trừ loại sâu này đang là câu hỏi cấp thiết dành cho giới chuyên môn. Nếu chậm thì không chỉ người trồng ngô trắng tay, mà sẽ nguy cơ với nhiều loại cây trồng khác; việc khống chế sẽ rất tốn công, của và quan trọng hơn nữa là có thể còn nguy hại tới môi trường.

Quang Tuấn - Mạnh Cường