Bước ra từ “bóng tối”

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/5/2019 | 10:58:54 AM

YênBái - Những người từng lầm lỗi đã vươn lên trở thành công dân có ích cho xã hội, là hình mẫu tốt trong mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Điều đó đang có ở MInh An.

Anh Nguyễn Văn Tùng (áo trắng) - kiểm tra chất lượng sản phẩm ván bóc.
Anh Nguyễn Văn Tùng (áo trắng) - kiểm tra chất lượng sản phẩm ván bóc.

Tháng Năm, chúng tôi vào Minh An, Văn Chấn. Nắng hè đã bắt đầu bung nhuộm vàng đỉnh những nương chè, đồi cam. Do liên lạc qua điện thoại từ trước nên khi gặp chúng tôi, Trưởng ban Công an xã Minh An Triệu Như Long cho biết: "Chấp hành án phạt tù, với sự nỗ lực của bản thân, sự chia sẻ động viên của gia đình, cộng đồng, họ đã vươn lên trở thành công dân có ích cho xã hội, là hình mẫu tốt trong mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương”. Nghe thật hấp dẫn, vậy là giục giã anh em Công an huyện Văn Chấn và xã Minh An, chúng tôi nhanh chóng xuống cơ sở tìm gặp nhân vật. 

Dừng bên quốc lộ 32, địa phận thôn Đồng Thập, chúng tôi đã nghe tiếng máy chạy ầm ầm, gỗ xếp ngổn ngang. Biết chồng đang bận với anh em công nhân, chị Đặng Thị Hằng - vợ chủ Doanh nghiệp Tùng Hằng nhanh nhẹn pha nước mời khách. Ít phút sau, anh Tùng về, những cái bắt tay chặt, những lời hỏi thăm chân tình vì họ đã quá quen thuộc nhau nên mọi người rất thoải mái, tự nhiên. 

Tôi thoáng giật mình, giọng nói nhỏ nhẹ, khuôn mặt hiền, gặp Nguyễn Văn Tùng, chắc hẳn không ai có thể biết anh có một quá khứ buồn. Sau ngụm chè, Tùng tâm sự: "Mình phạm tội khi còn rất trẻ. Đau đớn và ân hận lắm! May được sự động viên của gia đình và cán bộ quản lý trại giam, mình đã cố gắng cải tạo tốt để mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật”.

Vì ham chơi, đua đòi nên năm 1997, lúc mới 22 tuổi, Tùng đã bị bắt về hành vi mua bán trái phép chất ma túy với mức án phạt 7 năm tù. Quyết tâm sửa chữa sai lầm, cải tạo tốt, anh được giảm án một năm so với khung hình phạt. Sau khi chấp hành xong án phạt tù, Tùng trở về gia đình tại xã Hưng Khánh, mở quán sửa chữa xe đạp, xe máy để kiếm sống. 

"Khi về cũng mặc cảm lắm, nhưng cũng phải quyết tâm vượt qua. May mắn từ nghề sửa chữa mà tôi đã lấy được vợ!”. Nghe chồng kể chuyện, chị Hằng tiếp lời: "Lúc đó, em là học sinh cấp 3 Hưng Khánh, hàng ngày đi học qua mà xe thường xuyên bị hỏng nên thường đến quán của anh để sửa xe. Gặp anh thợ sửa chữa xe hiền lành, chịu khó, vậy là quý mến, yêu và lấy nhau!”. 

Nói thì đơn giản vậy chứ việc "nên duyên vợ chồng” của hai người cũng phải trải qua nhiều sóng gió vì anh em trong họ nhiều lần nói thẳng với bố mẹ và chị Hằng: "Hết người hay sao mà lại gả con gái cho thằng đi tù về”. Vượt qua mặc cảm, tin tưởng vào tình yêu và sự hướng thiện, hai người quyết định đến với nhau năm 2006.

"Để mưu sinh, vợ chồng chúng tôi làm đủ nghề. Từ bán nước, buôn sắt vụn đến làm gỗ!” - anh Tùng kể. Sau vài năm chịu khó, chắt chiu có được ít vốn, vay thêm tiền, vợ chồng anh Tùng mua xe ô tô chuyên thu mua gỗ để bán cho các xưởng chế biến. "Đi lại nhiều, nhận thấy khu vực Minh An là vùng nguyên liệu tốt, chưa có nhiều cơ sở chế biến, lại được chính quyền và các anh công an xã tạo điều kiện, năm 2011, vợ chồng tôi bán nhà ở Hưng Khánh về đây mua đất mở xưởng”. 

Với sự quan tâm tạo điều kiện của địa phương, đặc biệt là anh em công an, việc sản xuất, kinh doanh của gia đình ngày càng phát triển. Năm 2015, với số vốn 500 triệu đồng, vợ chồng anh mở doanh nghiệp. Hỏi chuyện được biết, hiện doanh nghiệp tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 12 công nhân, thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn thu hút 50 lao động thời vụ, mỗi năm doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng, nộp ngân sách trung bình 300 triệu đồng. 

Về người chủ doanh nghiệp, anh Dương Kim Quý - một công nhân cho biết: "Dù là chủ nhưng anh Tùng rất quan tâm đến anh em lao động. Có cơ sở chế biến của anh Tùng, chúng tôi đã có công việc ổn định, không phải đi làm ăn xa!”. 

Chưa thực sự giàu có nhưng cũng đủ đầy vật chất, một cuộc sống gia đình hạnh phúc với người vợ cảm thông và chia sẻ với đàn con ngoan ngoãn, thực sự trong mơ, Nguyễn Văn Tùng cũng không nghĩ tới. Trước khi chia tay, anh tâm sự: "Có được ngày hôm nay, tôi thực sự hạnh phúc. Để có được hạnh phúc này, ngoài sự nỗ lực của bản thân có sự chia sẻ, động viên rất lớn của người thân, cộng đồng, đặc biệt là vợ tôi. Từ bài học bản thân, tôi khuyên các bạn trẻ hãy tỉnh táo, đừng mắc sai lầm như tôi!”.

Tạm biệt anh Tùng, men theo đường bê tông uốn lượn bên những đồi cam với những ngôi nhà xây khang trang, chúng tôi vào thôn Khe Phưa, gặp chủ Công ty TNHH Hoàng Triệu. Đón chúng tôi trong căn nhà hai tầng rộng rãi hiện đại, xung quanh là nhà xưởng sản xuất, giàu trí tưởng tượng tôi cũng không nghĩ người chủ đã từng phạm tội giết người. 

Hỏi về chuyện quá khứ, anh Triệu Tiến Chu thoáng buồn nhưng không giấu giếm: "Năm 1993, lúc đó, mình đang là Phó Bí thư Đoàn xã Minh An, còn trẻ lắm, đang phấn đấu chuẩn bị kếp nạp Đảng. Đối tượng cùng thôn uống rượu say mâu thuẫn chém anh em nhà mình. Do không kiềm chế nên mình đã cướp dao và chém đối tượng!”. 

Giết người khi bị kích động mạnh, anh Chu bị kết án 36 tháng tù giam, để lại quê người vợ trẻ và 2 đứa con thơ, đứa lớn mới 3 tuổi, đứa nhỏ mới hơn một tuổi. "Ngày đi lao động đêm về không ngủ, buồn và ân hận vì khi đó phong trào phát triển kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ, bà con trong thôn, trong xã đang làm ăn xây dựng cuộc sống, mình thì ở trong trại giam” - anh Chu kể lại. 

Có lẽ, con đường xóa đi lầm lỗi của con người sẽ không thành công, có thể họ sẽ trượt dài nếu không có những bàn tay chìa ra nâng đỡ. "Ngoài sự cảm thông của bà con lối xóm, động viên của anh em công an xã, có lẽ may mắn cho mình có được người vợ tuyệt vời, dù khó khăn vẫn một lòng chăm sóc con. Dù khó khăn nhưng tháng tháng vẫn bắt xe ra Yên Bái thăm động viên chồng, đây là động lực để mình phấn đấu cải tạo tốt, sớm đoàn tụ với gia đình!”. 

Do cải tạo tích cực nên anh Chu đã nhận được hưởng sự khoan hồng của pháp luật để trở về với vợ con trước thời hạn. Ra tù, sau khi trình diện chính quyền, công an, được các anh động viên ổn định tư tưởng, được sự ủng hộ của vợ, anh Chu thế chấp "sổ đỏ” mua một xe máy cũ để thu mua chè tươi bán cho các xưởng chế biến, còn vợ thì trồng cam, làm chè. Tần tảo lặn lội không kể sớm tối bù lại những tháng ngày đã mất, sau vài năm buôn bán, vợ chồng đã gom được ít vốn. "Mọi chuyện đổi thay khi mình gặp một người bạn, anh ấy khuyên bảo, đây là vùng nguyên liệu phong phú, sao mày không làm giàu trên đất quê hương!”. 

Vậy là anh Chu cùng bạn hùn vốn thành lập Công ty TNHH Hoàng Triệu, lấy tên họ của hai người, chuyên sản xuất chè xanh, chè đen bán thành phẩm để cung cấp cho nhà máy vùng xuôi. Từ đi thu gom, làm thuê, với quyết tâm, sự mạnh dạn và tính toán đúng, anh Chu đã trở thành ông chủ. 



Chủ doanh nghiệp Triệu Tiến Chu trao đổi tình hình sản xuất, kinh doanh với cán bộ Công an huyện Văn Chấn và xã Minh An.

Đưa chúng tôi thăm xưởng, anh Long - Trưởng ban Công an xã thông tin: "Trung bình mỗi năm, Công ty của anh Chu thu mua 500 tấn chè nguyên liệu tươi cho bà con, tạo công ăn việc làm thời vụ cho 25 lao động với thu nhập khá, trong đó có những đối tượng đã từng lầm lỗi vào làm. Mỗi năm, doanh nghiệp cũng nộp ngân sách Nhà nước từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng. Cuộc sống ổn định, hai con gái của anh Chu đều khôn lớn, được học hành, có công việc ổn định, một là giáo viên và một là bác sỹ. Không chỉ lo cho bản thân, gia đình anh còn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện tại địa phương. Với sự nỗ lực đó, anh đã được tín nhiệm đi học cảm tình Đảng”. 

Tạm biệt Minh An khi nắng hè đã tỏa sáng rực rỡ. Tôi nghĩ, pháp luật là tối thượng, mọi sai lầm, mọi tội lỗi đều phải trả giá, nhưng từ "bóng tối” cuộc đời, họ đã đứng dậy. Cuộc đời sẽ đẹp hơn nếu có nhiều hơn những tấm gương như anh Chu, anh Tùng, bởi với sự quyết tâm, bên họ luôn có gia đình, cộng đồng bao dung, chia sẻ!

Đình Tứ