Sống như hoa hướng dương

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/5/2019 | 8:09:29 AM

YênBái - Năm 2018, chị Ngô Thị Liên ở xã Việt Thành (Trấn Yên) là 1 trong 10 thanh niên tiêu biểu của cả nước vinh dự nhận giải thưởng "Thanh niên sống đẹp". Hai từ "sống đẹp" với chị không chỉ thể hiện bằng những hoạt động từ thiện nhân đạo theo cái cách mà giải thưởng xét tới mà còn ở sự thay đổi cách sống của bản thân và cách chị hỗ trợ, tạo động lực ấy cho hàng trăm, hàng nghìn phụ nữ nhiễm HIV ở nhiều tỉnh phía Bắc.

Trong các chuyến công tác, chị Ngô Thị Liên (bên trái) luôn hướng tới những nhu cầu, nguyện vọng thiết thực của đối tượng.
Trong các chuyến công tác, chị Ngô Thị Liên (bên trái) luôn hướng tới những nhu cầu, nguyện vọng thiết thực của đối tượng.

Tôi gặp chị ngay sau chuyến công tác dài ngày nhằm giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của 2 nhóm Hoa hướng dương (HHD) tại Quảng Ninh nằm trong mạng lưới HHD Việt Nam thuộc Dự án hỗ trợ phụ nữ dễ bị tổn thương Việt Nam do chị là Trưởng ban điều phối. 

Trở về công việc thường ngày là một tiểu thương tại chợ trung tâm huyện nhưng 2 vật bất ly thân của chị luôn là máy tính xách tay và wifi. Khác với những tiểu thương ở chợ, có thể họ sử dụng những vật dụng này để xem phim, nghe nhạc, giải trí để giết thời gian nhưng với chị, đây là lúc tranh thủ làm việc. Là viết báo cáo về chuyến đi vừa qua, là lên kế hoạch chi tiết cho chuyến đi sắp tới và nhiều công việc cần trao đổi liên quan đến Dự án. 

Nhìn cách chị làm việc, trao đổi với các thành viên, cách chị cười, nói và sự lạc quan của chị, khó để tin rằng chị là người bị H. 

Chính xác thì chị lây nhiễm H từ người chồng nghiện ma túy. Chị từng gánh chịu những tổn thương nặng nề về thể chất, tinh thần và sự kỳ thị của cộng đồng. Chị đã từng đi tìm những người phụ nữ như mình để có thể chia sẻ, an ủi, động viên nhau... 

Nhưng việc đó không dễ dàng bởi không phải ai cũng dám công khai tình trạng bệnh của chính mình, đặc biệt đó lại là căn bệnh thế kỷ HIV. Chị tìm đến Trung tâm Y tế huyện, mạnh mẽ mà nói rằng, chị đồng ý công khai danh tính, bệnh tình, chỉ mong có thể tìm, tập hợp những người như chị. 

Rồi năm 2011, Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) đến với Trấn Yên và thành lập nên Nhóm HHD Trấn Yên đã trở thành nơi chia sẻ, giúp đỡ về sức khỏe, kinh tế và nâng cao năng lực cho phụ nữ nhiễm H trên địa bàn. Người mạnh mẽ, quyết đoán, năng động như chị trở thành Trưởng nhóm. 

Trong 3 năm đầu thành lập, mọi hoạt động của Nhóm đều thực hiện theo kế hoạch của nhà tài trợ. Đương nhiên, người hưởng lợi vẫn là các thành viên trong Nhóm nhưng đôi khi những hoạt động được tổ chức không còn đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng khẩn thiết của đối tượng. 

Bởi vậy, năm 2013, khi Dự án dự định kết thúc, những người đứng đầu cộng đồng nhóm ở các tỉnh đã tập hợp, nói lên suy nghĩ, tâm tư, những bất cập để thay đổi cách thức hoạt động. Từ đó, Dự án được tiếp tục duy trì và mạng lưới HHD Việt Nam (bao gồm 7 tỉnh phía Bắc: Yên Bái, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Nội, Quảng Ninh) được thiết lập. Chị Ngô Thị Liên được tín nhiệm trở thành Trưởng Ban điều phối Dự án. 

HHD - loài hoa luôn hướng về ánh mặt trời. Có lẽ vì ý nghĩa vậy mà tên của loài hoa này được đặt cho một mạng lưới của những người nhiễm H, mang hàm ý sẽ cùng nhau hướng tới những tươi sáng, những điều tốt đẹp. Đây cũng là tổ chức xã hội đầu tiên mà sự tài trợ được chuyển thẳng đến những người đứng đầu cộng đồng nhóm - Ban Điều phối. Cũng từ đó mọi hoạt động được tổ chức dựa trên nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các thành viên. 

Chị Liên bộc bạch: "Tại sao người nhiễm H lại bị kỳ thị? Phải chăng vì HIV là căn bệnh xã hội, là tượng trưng cho nhóm người xấu trong xã hội. Nếu đã vậy, những người nhiễm H càng phải sống tốt hơn, quan tâm giúp đỡ mọi người trong khả năng của mình, sống lành mạnh, sống có ích để xóa bỏ rào cản kỳ thị của cộng đồng". 

Với suy nghĩ ấy, chị Liên luôn nỗ lực để sống tốt hơn. Chị phối hợp với các tổ chức trong và ngoài huyện kêu gọi, huy động nguồn lực hỗ trợ cho bà con vùng lũ các xã Kim Nọi, Chế Tạo của huyện Mù Cang Chải; tổ chức Chương trình "Áo ấm mùa đông”, tặng quà cho hộ nghèo, người già neo đơn; phối hợp xây cầu dân sinh tại xã Minh Quán và Trường Mầm non Đồng Ruộng (Trấn Yên)... tổng trị giá gần 1 tỷ đồng. Cách sống ấy của chị cũng được lan tỏa đến những thành viên trong mạng lưới HHD Việt Nam. Nếu như trước đây, hoạt động sinh kế được coi là cốt lõi, thu hút thì nay câu hỏi "Bạn cần gì để thay đổi cuộc sống tốt hơn?" luôn được đặt ra. 

Bất giác chị Liên hỏi tôi: "Nếu em ở trong trường hợp những người phụ nữ này, em sẽ sống như thế nào? Nhiễm HIV, chồng mất, nhà đông con, là hộ nghèo với mức thu nhập bình quân 600.000 đồng/tháng, nhà ở là thứ tài sản duy nhất song bất cứ khi nào cũng có thể sập đổ, không có nhà vệ sinh, không có nước sạch để dùng, con cái thiếu từng quyển vở, không có phương tiện đi lại, đã lâu rồi không biết đến miếng thịt... Đấy có phải là cuộc sống!". 

Quả thực, vẫn biết rằng trong cuộc sống có vô vàn hoàn cảnh khó khăn nhưng nếu chỉ khó khăn về kinh tế thì sẽ dễ dàng có được sự giúp đỡ từ phía cộng đồng. Còn với người nhiễm H, sự giúp đỡ ấy vô tình bị hạn chế. Bởi họ không chỉ cần những hỗ trợ về sinh kế mà còn là không muốn kỳ thị, còn là được tiếp cận kịp thời với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con... Trách nhiệm và nghĩa vụ của chị là bằng mọi cách tìm kiếm những hỗ trợ chính đáng và chính xác cho các trường hợp như thế từ các nhà tài trợ.



Chị Ngô Thị Liên (ngồi) còn nỗ lực tổ chức các hoạt động tình nguyện chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng cao.

Một năm ít nhất 2 lần, chị Liên đều vượt qua mọi chặng đường để đến với 14 nhóm HHD ở 7 tỉnh phía Bắc. Mỗi nơi chị đến là mỗi câu chuyện, mỗi số phận... "Có những gia đình khi chúng tôi đến là nước mắt lăn dài vì thực sự không biết phải hỗ trợ gia đình từ đâu bởi cái gì cũng thiếu mà nguồn lực tài chính chỉ có hạn. Đau lòng hơn cả là có những gia đình hai mẹ con chỉ còn cách ngủ để qua cơn đói. Chúng tôi không thể hỗ trợ được gì vì cho bò, gà, lợn, téc nước rồi cũng không giữ được vì nhà thiếu vắng người đàn ông, không thể chống cự khi bị cướp. Phải lựa chọn, phải cùng từng hoàn cảnh vượt lên trong khi không biết mình sẽ giúp được bao nhiêu người trong số những người chúng tôi đã đi qua. Phải làm gì để nhà tài trợ hiểu và thực sự có thể hỗ trợ cho họ. Lo và buồn, đơn giản vì không bảo vệ và hỗ trợ được họ thì phần trách nhiệm này thuộc về mình" - chị nói.

Những lời tâm sự của chị Liên khiến tôi hiểu rằng "sống đẹp" - 2 từ ngắn ngủi ấy chứa đựng đằng sau cả một quá trình, cả một cách sống. Đối với chị Liên, "sống đẹp” không chỉ ở những việc chị đã làm cho bản thân, cho cộng đồng mà còn ở trách nhiệm với những công việc không tên ấy. Kết thúc mỗi một năm, ngoài việc báo cáo hoạt động của năm trước, chị còn phải xây dựng kế hoạch, phân bổ nguồn lực, dự kiến chi phí cho các hoạt động cần hỗ trợ cho năm tiếp theo. Kế hoạch ấy phải nhận được sự chấp thuận của nhà tài trợ. 

Một buổi họp riêng giữa đại diện mạng lưới HHD là chị và nhà tài trợ được tổ chức. Các câu hỏi liên tục được đặt ra: tại sao lại đề xuất mua thẻ BHYT cho người nhiễm H; tại sao phải hỗ trợ chị em dân tộc thiểu số xây dựng nhà vệ sinh, làm các công trình nước sạch; tại sao phải cung cấp con giống với số tiền không hoàn lại cho những người phụ nữ này... 

Một người vốn nói nhiều, đi nhiều, trải nghiệm nhiều như chị Liên cũng bất chợt chùn mình để rồi lấy hết dũng khí lập luận, khéo léo lựa chọn từ ngữ để giải thích cho nhà tài trợ, để hỗ trợ, bảo vệ nhóm phụ nữ bị tổn thương bởi việc xin tài trợ từ tổ chức nước ngoài cho các hoạt động cộng đồng ngày càng khó khăn. 

Bằng những nỗ lực của chị Liên và Ban Điều phối, đã hơn 6 năm nay, mọi hoạt động của mạng lưới HHD Việt Nam liên tục được thực hiện dưới sự tài trợ của tổ chức MCNV. Những hoạt động hướng tới nhu cầu thiết thực, những nỗ lực để thay đổi cách sống, truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực đã, đang và sẽ tiếp tục được chị Ngô Thị Liên và các thành viên Ban Điều phối thực hiện, để người nhiễm H được sống theo cách mà HHD đang sống, vượt qua trở ngại, bóng tối để vươn đến những điều tốt đẹp, để tỏa sắc và tự tin dưới nắng vàng...

Hoài Anh