Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy truyền đạt 2 chuyên đề cho cán bộ tham gia Đề án 11 của Tỉnh ủy Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ bảy, 18/5/2019 | 12:34:43 PM

YênBái - Sáng 18/5, đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp giảng dạy chuyên đề “Xây dựng nền hành chính công và cải cách hành chính của tỉnh Yên Bái” và chuyên đề “Tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Yên Bái” cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia Đề án 11 của Tỉnh ủy.

Tại lớp bồi dưỡng, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy đã giới thiệu khái quát về nền hành chính công và cải cách hành chính; tình hình xây dựng nền hành chính công và cải cách hành chính của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2018; nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nền hành chính công và cải cách hành chính tỉnh Yên Bái đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; thông tin về mục tiêu và định hướng phát triển của tỉnh Yên Bái trong thời gian tới.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ, giai đoạn 2010 - 2018, công tác cải cách hành chính ở Yên Bái đã có sự chuyển biến rõ nét, đặc biệt trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của địa phương; hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực quản lý nhà nước tại địa phương đã hoàn thiện. Tỉnh đã đầu tư xây dựng đưa vào vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công ở cả 3 cấp: tỉnh, huyện, xã (tỷ lệ trả kết quả đúng hạn đạt 99,7%, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức đạt 99,9%). Cùng với đó, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị đã tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cao. 



Đồng chí Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp giảng dạy cho học viên tham gia Đề án 11 của Tỉnh ủy. 

Đến hết năm 2018, tỉnh đã thu gọn được 405 đầu mối, tổ chức trong các cơ quan, đơn vị (bằng 25,5% tổng số đầu mối tổ chức, cơ quan, đơn vị năm 2015) và tinh giản 3.780 biên chế. Kinh phí tiết kiệm được do thực hiện việc tinh giản biên chế từ năm 2015 đến hết năm 2018 khoảng 925 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, việc cải cách hành chính vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm từ của các cấp, các ngành, các địa phương. Việc triển khai sẽ tổ chức đồng bộ, thường xuyên, kiên trì, nghiêm túc của cả hệ thống chính trị, hướng mục tiêu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu quả cao. Mục tiêu đến năm 2020 là dịch vụ công trực tuyến được cung cấp đạt mức độ 3, 4; sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 90%; văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan Đảng, đoàn thể, nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử đạt trên 90%; phấn đấu việc tự chủ tài chính tối thiểu 10% đơn vị và giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp. Xây dựng hệ thống khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh của các sở, ban, ngành, địa phương trong cải cách hành chính và khảo sát chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn.

Trong chuyên đề "Tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Yên Bái”, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã thông tin khái quát về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; khái quát về các ngành công nghiệp chủ lực; về hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; thông tin về các doanh nghiệp và các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; về mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh và định hướng phát triển của tỉnh. 



Quang cảnh lớp học.

Từ đó, khẳng định Yên Bái nằm ở vị trí trung tâm các tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, đất đai và lực lượng lao động. Hiện nay, Yên Bái có 183.794 ha rừng trồng, sản lượng khai thác 450.000m3 gỗ/năm; 257 điểm mỏ khai thác các loại khoáng sản như: sắt, đá vôi, đá trắng…. Yên Bái tiếp đón 560.000 lượt khách du lịch năm 2018; lao động dồi dào với trên 466 nghìn người trong độ tuổi lao động, trong đó có 54% lao động qua đào tạo. Tỉnh hiện có 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, 10 sản phẩm đặc sản nông nghiệp. Cùng với đó, tình có nhiều ưu đãi thu các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào địa bàn như: giá thuê đất và cơ sở hạ tầng ở mức thấp; nhiều chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, hạ tầng; các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái luôn hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp…

Định hướng cho thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ ưu tiên thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề như: công nghiệp chế biến sâu khoáng sản; công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm sản, thủy sản; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy, lắp ráp linh kiện điện tử, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tỉnh khuyến khích các dự án nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển bền vững. Ngành dịch vụ tập trung vào các dự án đầu tư du lịch, y tế, đào tạo nghề, tài chính- ngân hàng, vận tải logistics… Yên Bái phấn đấu đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn đạt 7%/năm và đến năm 2030 đạt 8%/năm.

Thông qua 2 chuyên đề giảng dạy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn đội ngũ cán bộ tham gia Đề án số 11 của Tỉnh ủy hiểu rõ hơn về việc xây dựng nền hành chính công và cải cách hành chính và những tiềm năng, thế mạnh, mục tiêu phát triển của tỉnh Yên Bái để áp dụng trong công việc, cuộc sống; tích cực tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh và đóng góp trí tuệ, công sức cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xây dựng tỉnh Yên Bái ngày càng phát triển.  

Hoài Văn