Trạm Tấu hứa hẹn năm du lịch hấp dẫn

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/5/2019 | 10:59:08 AM

YênBái - Trạm Tấu - huyện miền núi phía Tây của tỉnh với nhiều thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, đẹp hoang sơ và bí ẩn. Cảnh đẹp núi rừng nơi non cao đã và đang hấp dẫn các bạn trẻ đam mê du lịch mạo hiểm, du lịch phượt.

Để khơi dậy tiềm năng du lịch, mở hướng thoát nghèo cho người dân, huyện Trạm Tấu đã có nhiều hoạt động, sẵn sàng một năm du lịch hấp dẫn.

Những ngày này, tại thôn Tà Xùa, xã Bản Công, không khí chuẩn bị cho tour du lịch khám phá suối khoáng nóng thị trấn Trạm Tấu, chinh phục đỉnh Tà Xùa đang được thực hiện rất khẩn trương. 

Người dân phấn khởi với các hoạt động khôi phục lễ hội Gầu tào – một lễ hội lúc đầu chỉ đơn thuần là lễ cầu tự (cầu con) do một gia đình có điều kiện tổ chức. Sau này, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và cộng đồng, lễ hội được nhân rộng, tổ chức thường xuyên, ngoài cầu tự còn có cầu sức khỏe, cầu may mắn, cầu cho mùa màng bội thu, dân bản có cuộc sống ấm no, thịnh vượng… 

Đến nay, lễ hội Gầu tào đã trở thành nét văn hóa tiêu biểu trong cộng đồng đồng bào dân tộc Mông. Anh Phàng A Phà – Trưởng thôn Tà Xùa cho biết: "Chúng tôi muốn du khách khi đến với Trạm Tấu không chỉ chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên mà còn được trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông. Vì vậy, chúng tôi rất phấn khởi khi phục dựng lễ hội này để quảng bá cho du lịch của huyện”.

Nằm trong chuỗi du lịch này, Trạm Tấu còn giới thiệu đến du khách hành trình chinh phục đỉnh Tà Xùa của xã Bản Công đầy hấp dẫn và lý thú. Từ trung tâm huyện vào bản Tà Xùa là quãng đường dài 7 km, nhưng để lên tới đỉnh cao nhất chỉ có một con đường độc đạo với độ dốc lớn là thử thách dành cho bất kỳ ai muốn chinh phục. 

Dãy Tà Xùa sừng sững tạo nên ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Yên Bái và Sơn La. Với ba đỉnh hợp thành đã tạo nên một kỳ quan vô cùng hùng vĩ, gồm: đỉnh cao nhất là nơi dựng cột cờ Việt Nam trên độ cao 2.850 m; đỉnh thứ hai hiện vẫn còn dấu tích của cột cờ cũ vốn được dựng từ thời Pháp thuộc; đỉnh cao thứ ba nằm ở giữa, giống như vạch nối tạo thành "sống lưng khủng long”, khiến các bạn trẻ ưa mạo hiểm vô cùng thích thú. 

Để chinh phục đỉnh Tà Xùa, du khách phải đi qua mỏm đá có hình dáng rất giống đầu rùa nằm ở độ cao 2.120 m so với mực nước biển. Đến Tà Xùa không chỉ có núi non hùng vĩ mà còn có những thác nước chảy từ độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển được ví như mái tóc dài của thiếu nữ xinh đẹp vùng Tây Bắc. 

Lên đến đỉnh Tà Xùa, du khách như lạc vào chốn "bồng lai tiên cảnh” với biển mây trắng bồng bềnh, ôm trọn núi non trùng điệp, tạo nên muôn vàn hình khối kỳ thú. Du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị khi chinh phục cung đường lên đỉnh núi, vừa hào hứng vừa run sợ, để rồi vỡ òa trong niềm vui hạnh phúc. 

Anh Hoàng Anh Tuấn – du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: "Tôi thấy Trạm Tấu rất hấp dẫn bởi còn nhiều thắng cảnh thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp. Cảm giác chiến thắng khi chinh phục đỉnh núi cao trên 2.000 m, phóng tầm mắt bao quát toàn bộ núi non trùng điệp quả thật khó diễn tả thành lời. Tôi chỉ muốn chia sẻ, tuổi trẻ hãy đi để cảm nhận vẻ đẹp của đất nước và đến Trạm Tấu để thử sức mình”.

Nằm trong chuỗi du lịch miền Tây, Trạm Tấu đã hình thành tour du lịch từ huyện Văn Chấn qua vùng chè Shan tuyết Phình Hồ, ngắm thác thiên nhiên hùng vĩ Háng Đề Chơ, xã Làng Nhì; qua Bản Mù đến Bản Công để khám phá, chinh phục đỉnh Tà Xùa; qua thị trấn Trạm Tấu tắm suối nước nóng, nghỉ ngơi tại các nhà nghỉ homestay xã Hát Lừu, thưởng thức các món ăn ngon của người Thái, người Mông rồi chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù. 

Bà Dương Phương Thảo – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện cho biết: "Trạm Tấu đã nỗ lực hết mình cho các hoạt động của năm du lịch để du khách không chỉ trải nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên mà còn được tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc trong đời sống và ẩm thực của đồng bào Mông Trạm Tấu. Chúng tôi đã sẵn sàng cho một năm du lịch hấp dẫn”.

Ngọc Sơn