Nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/5/2019 | 8:21:05 AM

YênBái - Toàn tỉnh hiện có gần 2.100 tổ hòa giải với hơn 12.000 hòa giải viên. Từ năm 2014 đến nay, các hòa giải viên đã tiến hành hòa giải hơn 12.800 vụ, việc.

Cán bộ, đảng viên thôn Bu Cao, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn trao đổi kiến thức, kỹ năng hòa giải ở cơ sở.
Cán bộ, đảng viên thôn Bu Cao, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn trao đổi kiến thức, kỹ năng hòa giải ở cơ sở.

Từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành (năm 2013), UBND các cấp đã kịp thời triển khai đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và đội ngũ hòa giải viên bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền miệng, tờ gấp, tờ rơi, truyền thanh; lồng ghép vào các hội thi, sinh hoạt của đoàn thể, câu lạc bộ; các đợt bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải...

Thực hiện công tác tuyên truyền, ủy ban mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên, các ngành chức năng tổ chức 13 hội nghị quán triệt, triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có Luật Hòa giải ở cơ sở tới gần 2.700 lượt người; phối hợp thực hiện 72 chuyên mục "Đời sống và pháp luật” trên Báo Yên Bái với gần 200 tin, bài; gần 200 chuyên mục "Pháp luật với cuộc sống” trên sóng phát thanh và truyền hình (Đài Phát thanh – Truyền hình Yên Bái). 

Toàn tỉnh hiện có gần 2.100 tổ hòa giải với hơn 12.000 hòa giải viên. Các hòa giải viên đều là những người có phẩm chất đạo đức, uy tín, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc. Từ năm 2014 đến nay, các hòa giải viên đã tiến hành hòa giải hơn 12.800 vụ, việc; trong đó, hòa giải thành công hơn 11.500 vụ, việc, đạt tỷ lệ 89,5%. 

Các vụ, việc hòa giải chủ yếu là mâu thuẫn, xích mích giữa các thành viên trong gia đình về quan niệm sống, lối sống; tranh chấp nhỏ giữa các cá nhân trong cộng đồng dân cư về hôn nhân gia đình, đất đai, quan hệ dân sự nhỏ… Thông qua đó, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động này đi vào nề nếp và hiệu quả. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai vẫn còn một số tồn tại như: hoạt động hòa giải chủ yếu dựa trên uy tín, kinh nghiệm sống và kiến thức hiểu biết xã hội của hòa giải viên mà chưa dựa nhiều vào các quy định của pháp luật; một số trường hợp, hòa giải viên tiến hành hòa giải cả những vụ, việc không thuộc phạm vi hòa giải như hành vi vi phạm pháp luật phải bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

Để công tác này tiếp tục mang lại hiệu quả thiết thực, thời gian tới, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở cần nhận thức đúng đắn, sâu sắc và toàn diện về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải, từ đó xác định phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện tốt công tác này; tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật tới người dân để người dân biết và chủ động sử dụng phương pháp hòa giải khi xảy ra các mâu thuẫn, tranh chấp. 

Cùng với đó, chủ động rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên bảo đảm đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hoà giải viên; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải để động viên, khuyến khích hòa giải viên tham gia công tác hiệu quả, chất lượng…

Hồng Oanh