Mù Cang Chải chủ động đối phó với dịch tả lợn châu Phi

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/5/2019 | 8:35:53 AM

YênBái - Hiện nay, các tỉnh Lai Châu, Sơn La và 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xuất hiện bệnh dịch. Mù Cang Chải hiện là địa phương duy nhất trong tỉnh chưa bị bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP) xâm nhiễm.

Lực lượng chức năng phun tiêu độc khử trùng phương tiện giao thông vào địa bàn huyện tại chốt kiểm dịch động vật xã Cao Phạ.
Lực lượng chức năng phun tiêu độc khử trùng phương tiện giao thông vào địa bàn huyện tại chốt kiểm dịch động vật xã Cao Phạ.

Nguy cơ bệnh dịch này xâm nhiễm vào địa bàn huyện Mù Cang Chải là rất cao vì có thể thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn; hoạt động vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến cũng có thể chứa vi rút BDTLCP. 

Ngoài ra, bệnh dịch có thể lây lan thông qua vật chủ trung gian như chim di cư tiếp xúc với lợn chết chứa mầm bệnh; các hoạt động thương mại, du lịch của người dân khu vực đã và đang có dịch bệnh... Nếu không kiểm soát tốt, thì hoạt động chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện có thể bị thiệt hại rất lớn khi xảy ra dịch bệnh. 

Để ngăn ngừa sự lây lan của BDTLCP xâm nhiễm vào địa bàn huyện; đồng thời, tăng cường kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn lưu thông vào địa bàn, UBND huyện Mù Cang Chải xin ý kiến UBND tỉnh thành lập 3 chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên quốc lộ 32 và tỉnh lộ 175B. 

Cụ thể: chốt tại bản Trống Là, xã  Hồ Bốn giáp ranh với tỉnh Lai Châu, hoạt động từ ngày 22/5/2019; chốt trên quốc lộ 32 (tại km 257) thuộc địa phận bản Tà Chơ, xã Cao Phạ giáp ranh với xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, hoạt động từ ngày 09/5/2019 và chốt trên tỉnh lộ 175B tại bản Làng Sang, xã Nậm Khắt, hoạt động từ ngày 23/5/2019 để kiểm tra, kiểm soát, phun tiêu độc khử trùng các phương tiện giao thông vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn vào và đi qua địa bàn huyện. 

Lực lượng tham gia tại chốt kiểm dịch động vật tạm thời gồm Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện; Cảnh sát giao thông trật tự Công an huyện; Tổ quản lý thị trường huyện Mù Cang Chải; UBND các xã Hồ Bốn và Cao Phạ. 

Các chốt duy trì trực 24/24h để phun khử trùng các phương tiện đi vào địa bàn huyện, đến ngày 28/5/2019, 3 chốt đã phun tiêu độc khử trùng các phương tiện giao thông vào địa bàn được gần trên 7.100 lượt  xe các loại. 

Cùng với đó, cơ quan chuyên môn tổ chức 5 lớp tập huấn cho trên 200 học viên về công tác phòng, chống dịch cho đàn gia súc; phối hợp với Chi cục chăn nuôi và Thú y tỉnh mở 1 lớp tập huấn về công tác chăn nuôi, thú y cho 50 học viên tham gia; chỉ đạo đội ngũ khuyến nông viên cơ sở tư vấn, hướng dẫn vệ sinh chăn nuôi thú y được trên 2.500 lượt hộ chăn nuôi.

Theo đó, các cấp, các ngành luôn trong tư thế chủ động sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Huyện đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các xã. Các cơ quan chuyên môn thường xuyên có mặt tại cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh. Các xã đều ban hành kế hoạch chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. 

Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo và kế hoạch của huyện về công tác phòng, chống BDTLCP xã Nậm Khắt đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tuyên truyền và ký cam kết phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc đến 100% hộ chăn nuôi, tổ chức phun tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi ở 8/8 bản, điểm giết mổ, địa điểm thu gom buôn bán động vật và sản phẩm động vật trong toàn xã. 

Ông Lý A Sử - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống BDTLCP cho biết: "Xã đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, dụng cụ trang thiết bị để ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra; thường xuyên tổ chức thông tin, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, các buổi họp thôn, bản, trưởng bản đến tận nhà các hộ chăn nuôi để tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân biết và tự giác thực hiện. Ngày 23/5, huyện đã có quyết định thành lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên tỉnh lộ 175B tại bản Làng Sang giáp với xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Trong 6 ngày từ khi thành lập chốt đã phun khử trùng được 450 lượt xe vào địa bàn xã”.

Trước tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khả năng xâm nhiễm vào địa bàn bất cứ lúc nào nên ngành chuyên môn địa phương đã  khuyến cáo người chăn nuôi và người tiêu dùng về mức độ nguy hiểm và cách xử lý khi BDTLCP xâm nhiễm. 

Ông Lương Văn Thư - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Mù Cang Chải nhấn mạnh: "Trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, người chăn nuôi tuyệt đối không được đưa lợn bệnh ra ngoài vùng dịch; không mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, các loại sản phẩm thịt lợn bệnh; không mua con giống không rõ nguồn gốc, không sử dụng thức ăn thừa, thức ăn tận dụng chưa qua xử lý nhiệt chín".

"Không cho thương lái, phương tiện vận chuyển vào khu chuồng nuôi vì có thể mang mầm bệnh từ nơi khác vào. Khi phát hiện lợn bệnh, lợn nghi bệnh, người chăn nuôi không bán lợn bệnh, không giết mổ, không vứt xác lợn chết ra môi trường vì sẽ làm lây lan rất nhanh... Trung tâm đã thành lập đường dây nóng của Đội ứng phó nhanh, ngăn chặn BDTLCP xâm nhiễm vào địa bàn nên bất kỳ ai phát hiện lợn bệnh, nghi bệnh cần báo ngay cho chính quyền địa phương, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện qua các số điện thoại: 0967051333, 0832104034, 0946212667”. Ông Thư nói.

H.D