Đọc lại bài báo cuối cùng của Bác về xây dựng Đảng

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/6/2019 | 8:03:24 AM

YênBái - Trong suốt tiến trình cách mạng, Bác Hồ và Đảng ta đã dành nhiều thời gian, tâm huyết, trí tuệ cho việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Bác đồng thời là người thầy vĩ đại, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong số rất nhiều bài báo, tác phẩm, bài nói dưới nhiều bút danh khác nhau, Người đã dành một tỷ lệ lớn để viết về công tác xây dựng Đảng.

Bài báo cuối cùng Bác viết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là bài "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Tác phẩm được công bố nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng, đăng trên báo Nhân dân số ra ngày 3/2/1969 với bút danh T.L. 

Bài viết ngắn gọn vào khoảng trên 700 từ nhưng những luận điểm được Người đề cập mang tính tổng kết và phát triển tư tưởng, lý luận về công tác xây dựng Đảng nói chung, về đạo đức cách mạng nói riêng. 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc sinh ra tật bệnh, sinh ra những thói hư, tật xấu của cán bộ, đảng viên. Những tật bệnh nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân mà Người đã chỉ ra là: bệnh tham lam; bệnh quan liêu, mệnh lệnh; bệnh ham danh trục lợi… Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đối lập với đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân, do đó nâng cao đạo đức cách mạng không thể tách rời với chống chủ nghĩa cá nhân. 

Bác Hồ ví chủ nghĩa cá nhân như giặc nội xâm, nó còn nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm vì nó phá hoại từ bên trong phá ra. Người nêu ra những giải pháp chủ yếu để nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, đó là: Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục trong toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là phương thuốc hay nhất, giúp cho toàn Đảng và mỗi đảng viên, sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phê bình phải có tình đồng chí thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Tự phê bình và phê bình phải ráo riết, triệt để, không nể nang, không thêm không bớt, không dùng những lời lẽ mỉa mai, cay độc, không suy diễn quy kết. Người cũng căn dặn khi tự phê bình và phê bình phải đề phòng những người đầu cơ, lợi dụng phê bình để "đập cho tơi bời” để đạt mục đích tự tư, tự lợi. 

Giải pháp chủ yếu thứ ba, Người chỉ ra là chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc; công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản là tổ chức chặt chẽ nhất, do đó chế độ sinh hoạt chi bộ nói riêng, sinh hoạt Đảng nói chung phải nghiêm túc. Người cho rằng Đảng mạnh là do các chi bộ mạnh, chi bộ mạnh là do các đảng viên tích cực gương mẫu.

Hiện nay, những tật bệnh bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân vẫn đang tồn tại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Chủ nghĩa cá nhân và những tật bệnh của nó đang biến thái rất tinh vi và đa dạng làm phương hại đến lợi ích của cách mạng, đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. 

Tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Bác ra đời cách đây tròn 50 năm nhưng vẫn giữ nguyên giá trị đối với công tác xây dựng Đảng nói chung, đối với việc rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng nói riêng. 

Nghiên cứu vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua tác phẩm của Người chúng ta cần nhận thức rằng: trước hết, Đảng ta phải thể hiện khả năng trí tuệ của mình, đề ra được đường lối đúng đắn, đưa cách mạng nước ta tiến lên không ngừng, dành được từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; Đảng phải không ngừng giáo dục nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn khẳng định, cán bộ là gốc của mọi công việc, đạo đức là gốc của người cán bộ, muôn việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém.

Trong giai đoạn cách mạng mới, sự tác động của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, không chỉ tạo ra cho chúng ta cơ hội để phát triển mà còn tác động tiêu cực đến đạo đức, lối sống, biểu hiện cụ thể là sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. 

Thực trạng này đã được cảnh báo từ rất sớm mà nguyên nhân như Bác Hồ đã chỉ ra là do một bộ phận cán bộ, đảng viên còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân không ở đâu xa lạ, nó nằm ngay trong mỗi con người, chỉ cần kém tu dưỡng, rèn luyện, những tật bệnh do nó gây ra sẽ phát triển rất nguy hiểm. Vì vậy, học tập và làm theo những lời dạy của Người trong tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” lúc này càng trở nên rất quan trọng và cần thiết.   

Hải Đường