Mù Cang Chải tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số - Bài 2: Căn cơ, cốt lõi trong nâng cao chất lượng giáo dục

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/6/2019 | 8:35:07 AM

YênBái - Trong hoạt động tăng cường tiếng Việt, một bộ phận giáo viên hạn chế trong tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tiết đọc thư viện, sử dụng các phương pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh trong một số giờ học còn mang tính hình thức, chưa có hiệu quả.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Chế Cu Nha  với “Góc cộng đồng” trong lớp học.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Chế Cu Nha với “Góc cộng đồng” trong lớp học.


Có thể thấy rằng, Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” đã nhận được sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, sự ủng hộ với tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các đơn vị trường. Thời gian tới, Mù Cang Chải còn rất nhiều việc phải làm trong điều chỉnh, hoàn thiện và định hình các mô hình tăng cường tiếng Việt hiệu quả, phù hợp, khả thi để triển khai nhân rộng. 

Sự quan tâm chỉ đạo sát sao của huyện, môi trường tăng cường tiếng Việt trong và ngoài lớp học ở các đơn vị trường học trên địa bàn Mù Cang Chải đã được cải tạo và làm mới phù hợp điều kiện thực tế của từng đơn vị, đảm bảo tiêu chí về thẩm mỹ, thiết thực, tiết kiệm, thực sự là môi trường tốt để học sinh rèn kỹ năng tiếng Việt, học tập, trải nghiệm và sáng tạo. 

Học sinh được tăng cường tiếng Việt trong các tiết học, được tham gia các hoạt động học tập, hoạt động trải nghiệm, hoạt động thư viện,... tăng cường tiếng Việt ở mọi nơi mọi lúc đã giúp các em nói được tiếng Việt nhiều hơn, mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS. 

Việc thực hiện Đề án thời gian qua cũng mang lại những bài học kinh nghiệm quý giá cho ngành giáo dục Mù Cang Chải. Tăng cường kiểm tra, nắm tình hình, tư vấn, giúp đỡ, giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn ở cơ sở, nhân rộng những mô hình mang tính sáng tạo, hiệu quả để các đơn vị khác tham khảo học tập.

Các đơn vị trường phát huy tính chủ động tích cực trong công tác tham mưu với chính quyền địa phương, có kế hoạch, có giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, đưa ra các chỉ tiêu phấn đấu trong từng năm học; quan tâm bồi dưỡng đội ngũ nhất là đối với giáo viên trẻ mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm và hạn chế tiếng địa phương…, đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có phương pháp dạy học tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS. 

Đồng chí Phạm Thị Minh Hằng - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải cho biết: Xác định nhiệm vụ tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS là một nhiệm vụ căn cơ, cốt lõi để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS, vì vậy, việc tăng cường và đổi mới hình thức tuyên truyền, quán triệt, triển khai sâu rộng các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động từ cấp huyện đến các xã nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói chung và triển khai thực hiện Đề án nói riêng. 

Cùng với đó, chính sự phối hợp chặt với các ngành, các xã, đặc biệt là ngành giáo dục và cấp ủy, chính quyền địa phương có sự thống nhất cao về chủ chương, giải pháp trong thực hiện, các mục tiêu của Đề án phù hợp với điều kiện của từng xã đã giúp Đề án được triển khai hiệu quả. Cũng từ đó, góp phần đẩy mạnh phong trào xã hội hóa giáo dục, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thu hút sự tham gia đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường lớp của cộng đồng và của toàn xã hội. 

Để hoàn thiện và định hình các mô hình tăng cường tiếng Việt hiệu quả, phù hợp, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Mù Cang Chải cũng gặp không ít khó khăn. Đó là, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương một số xã đối với Đề án còn hạn chế, chưa nghiên cứu văn bản, chưa vào cuộc cùng các đơn vị trường về chủ trương, giải pháp trong thực hiện các mục tiêu của Đề án. Kế hoạch giai đoạn của hầu hết các xã, đơn vị trường chưa cụ thể từng phần việc. 

Hầu hết các đơn vị trường học chưa chủ động thống kê đồ dùng học liệu, trang thiết bị dạy học và xây dựng phương án, giải pháp bổ sung, thay thế trong từng năm; đồ chơi ở một số đơn vị được bổ sung còn ít, bố trí sắp xếp và sử dụng chưa đạt hiệu quả; tài liệu học chưa đủ để thực hiện chuyên đề. 

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Bán trú TH&THCS Chế Cu Nha cho biết: "Mặc dù trong 2 năm qua, nhà trường đã phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học, khuyến khích các bậc phụ huynh và cộng đồng cùng sưu tầm nguyên vật liệu để làm các đồ dùng giải nghĩa từ trong bài học như: cuốc, dao, cày, bừa, rổ, quần áo, cối giã gạo… nhưng số đồ dùng, đồ chơi này không đồng bộ và vẫn còn thiếu rất nhiều theo nhu cầu". 

"Đặc biệt, các trang thiết bị theo quy định như đài để học sinh được nghe băng, đĩa, chương trình phát thanh, truyền hình tiếng Việt còn thiếu, trong khi đời sống nhân dân trên địa bàn còn khó khăn, nguồn lực xã hội hóa còn hạn chế nên đã ảnh hưởng đến công tác dạy và học của giáo viên và học sinh” - cô Thanh chia sẻ. 

Trong hoạt động tăng cường tiếng Việt, một bộ phận giáo viên hạn chế trong tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tiết đọc thư viện, sử dụng các phương pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh trong một số giờ học còn mang tính hình thức, chưa có hiệu quả. 

Việc biên soạn sổ tay ngôn ngữ vốn từ còn ít và chưa được sử dụng thường xuyên. Số học sinh hạn chế giao tiếp tiếng Việt còn nhiều. Trong quá trình lên lớp, việc giao tiếp thông thường với thầy cô giáo của các em không chỉ khó khăn mà thậm chí có trường hợp là không thể. 

Việc nghe giảng những kiến thức về các môn học khác nhau bằng tiếng Việt lại càng khó khăn hơn đối với các em. Nói về vấn đề này, cô giáo Lê Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường Mầm non Khao Mang cho biết: "Trong sinh hoạt gia đình, cộng đồng các em học sinh chỉ sử dụng tiếng mẹ đẻ nên khi bước ra thế giới bên ngoài, vào môi trường giáo dục phổ thông, tiếng Việt trở thành ngôn ngữ thứ hai của các em nên gặp khó khăn trong giao tiếp. 

"Trong khi một bộ phận người dân chưa nhận thức rõ, chưa quan tâm, tạo điều kiện cho các em đi học, một số chưa nhận thức đầy đủ về việc học tập của con em mình, còn phó mặc cho nhà trường và thầy cô. Hiện, ở Khao Mang, các phòng chức năng chưa có, sân chơi, bãi tập không đủ so với diện tích yêu cầu, thư viện, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi học liệu và các phương tiện hỗ trợ để học sinh DTTS làm quen, học tập tiếng Việt ở cả hai nhà trường còn thiếu. Vì vậy, cũng ảnh hưởng lớn đến việc dạy và học”.

Năm 2019, bậc học mầm non tăng cường tiếng Việt là 5.144/5.395 trẻ DTTS, đạt tỷ lệ 95,3% (trẻ nhà trẻ 453/514, tỷ lệ 88,13%; trẻ mẫu giáo 4.690/4.880, tỷ lệ 96%); tiểu học tăng cường tiếng Việt cho 8.254/8.552 học sinh DTTS, đạt tỷ lệ 96,5%, trong đó đặc biệt quan tâm đến học sinh lớp 1, lớp 2. 

Để hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học trên địa bàn đạt kết quả cao, Mù Cang Chải xác định tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án, tổ chức tốt công tác phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể. 

Huy động phụ huynh học sinh vào cuộc hỗ trợ cải tạo môi trường trong và ngoài lớp học, làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc địa phương. 

Xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt trong và ngoài lớp học phù hợp điều kiện thực tế của trường, lớp, đảm bảo tiêu chí về thẩm mỹ, thiết thực, tiết kiệm là môi trường để học sinh rèn kỹ năng tiếng Việt, học tập, trải nghiệm và sáng tạo, tránh xây dựng với hình thức phô trương, lãng phí, không có tác dụng cho hoạt động học của học sinh. 

Mỗi trường mầm non, tiểu học thiết kế xây dựng ít nhất 1 khu vực/ góc thư viện thân thiện, đủ ánh sáng, có ghế/ thảm mềm cho học sinh ngồi đọc sách, trang trí phù hợp, hấp dẫn; có tài liệu, sách tranh, truyện tranh, các học liệu cho hoạt động vẽ, viết để trẻ được tự do hoạt động, khám phá trong khu vực thư viện. 

Đối với cấp học mầm non, cần nghiên cứu xác định yêu cầu, khung chương trình, xây dựng kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho trẻ, giáo viên căn cứ vào thực tế, số lượng trẻ còn hạn chế tiếng Việt để xem xét thời lượng tăng cường tiếng Việt trong ngày; đối với cấp học tiểu học, 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày. 

Trong năm học, tổ chức dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 theo phương án điều chỉnh kế hoạch dạy học từ 350 tiết lên 504 tiết đồng thời chú trọng rèn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, cung cấp mở rộng vốn từ tiếng Việt, sửa lỗi phát âm, dùng từ, đặt câu cho học sinh. 

Cần bồi dưỡng nâng cao năng lực về công tác quản lý, phương pháp, đặc biệt là kỹ năng tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục để tăng cường tiếng Việt phù hợp với đối tượng trẻ em vùng DTTS. Triển khai có hiệu quả công tác bồi dưỡng thường xuyên, xây dựng nội dung tăng cường tiếng Việt. 

Qua 2 năm thực hiện Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”, chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã có bước chuyển biến tích cực, nhất là chất lượng giáo dục DTTS. Học sinh người dân tộc Mông giao tiếp tự tin hơn, tạo tiền đề học tập. Đồng thời thể hiện sự căn cơ, cốt lõi trong nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS.

Thành Trung