Đừng để thương hiệu "Gạo Mường Lò" chìm lắng!

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/6/2019 | 8:05:30 AM

YênBái - Được công nhận thương hiệu hàng hóa có chỉ dẫn địa lý đã hơn một năm mà gạo sản xuất chuẩn thương hiệu mới được 3 tấn. Tuy vậy, hiện nay, trên thị trường, loại sản phẩm gạo đóng mác “Gạo Mường Lò” đang được bán tràn ngập.

Vùng Mường Lò, rất nhiều cơ sở, hộ kinh doanh đã đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất, kinh doanh lúa gạo.
Vùng Mường Lò, rất nhiều cơ sở, hộ kinh doanh đã đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất, kinh doanh lúa gạo.

Xây dựng thành công thương hiệu gắn liền với chỉ dẫn địa lý (CDĐL), hạt gạo Mường Lò đã phải trải qua suốt một thời gian dài "lặn ngụp”, "trôi nổi” trên thị trường, thậm chí có những lúc bị rơi vào quên lãng. Thóc lúa cứ sản xuất, tiểu thương cứ thu gom, trao đổi, mua bán, người tiêu dùng cứ mua, thấy ngon thì mua tiếp, thấy dở thì đổi gạo... 

Vậy nhưng, khi đã xây dựng thành công thương hiệu gắn với CDĐL, vấn đề đặt ra ở đây là công tác quản lý, phát triển của thương hiệu lại đang được làm quá sơ xài, thậm chí thiếu sự quan tâm của những người trong cuộc. Những gì đang diễn ra khiến nhiều người phải giật mình lo ngại cho sự chìm lắng của một trong những thương hiệu lớn.

Bất cập trong quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu

"Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc", câu ca ấy từ lâu đã được lưu truyền để nói về bốn vựa lúa lớn nhất vùng Tây Bắc. Toàn bộ diện tích gần 3.000 ha của cánh đồng Mường Lò hiện thuộc hai địa phương là thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn. 

Câu chuyện đặt ra ở đây là, dưới sự quản lý của hai địa phương trên, từ lâu việc canh tác của người dân trên cánh đồng này vẫn diễn ra bình thường; các loại giống lúa, hoa màu vẫn được gieo cấy, thu hoạch đều đều và trở thành nơi cung cấp lương thực quan trọng cho cả vùng.

 Nhưng đó là chuyện trước kia, còn hôm nay, khi hạt gạo Mường Lò đã trở thành thương hiệu có chỉ dẫn địa lý với 2 sản phẩm gạo: Séng cù, Hương chiêm thì việc quy hoạch vùng lúa gạo chi tiết cho Mường Lò cần phải được làm một cách nhanh chóng, cụ thể nhằm ổn định vùng nguyên liệu cho thương hiệu. 

Nhưng, kể từ khi thương hiệu với CDĐL "Gạo Mường Lò” được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận (tháng 1/2018) và UBND tỉnh có Quyết định số 538/QĐ-UBND (tháng 4/2018) ban hành quy chế quản lý và sử dụng CDĐL Mường Lò cho sản phẩm gạo, đến nay, mới chỉ có vỏn vẹn hơn 3 tấn gạo được đóng mác chuẩn thương hiệu.

Ông Liễu Ngọc Mậu - Chủ tịch Hội Sản xuất và kinh doanh gạo Mường Lò cho biết: "Số gạo này, chủ yếu để "làm quà” hoặc mang đi "trưng bày” tại một số hội chợ thương mại, lễ hội chứ chưa hề được xuất hiện để bán đại trà”. Vậy, câu hỏi đặt ra là, vùng nguyên liệu cung cấp cho thương hiệu "Gạo Mường Lò” hiện được quy hoạch, phát triển như thế nào mà để thương hiệu rơi vào tình trạng "đói” như vậy? 

Được biết, hai địa phương đồng sở hữu CDĐL Mường Lò là thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn cũng chưa hề có một cuộc ngồi lại với nhau một cách chính thức để bàn về "tài sản chung” này. Có chăng, mới chỉ là những hành động đơn lẻ của từng nơi. 

Chẳng hạn, ngày 15/2/2019, Phòng Nông nghiệp huyện Văn Chấn phát hành Văn bản số 87/UBND-PNN (không rõ là loại công văn "thông báo”, "kế hoạch” hay "quyết định”) về việc triển khai sản xuất lúa theo quy trình CDĐL "Gạo Mường Lò” tại các xã trên cánh đồng Mường Lò thuộc huyện Văn Chấn; trong đó, phân công nhiệm vụ cho các tổ chức, địa phương có liên quan trong việc phát triển sản xuất lúa gạo tại cánh đồng Mường Lò. 

Về phía thị xã Nghĩa Lộ, đơn vị hiện đang đứng tên, được cấp quyền sử dụng thương hiệu "Gạo Mường Lò” là Hội Sản xuất và kinh doanh gạo Mường Lò cũng có ban hành một số kế hoạch liên quan đến việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân sản xuất lúa gạo theo CDĐL Mường Lò… Tuy vậy, với tiến độ "ì ạch” như hiện nay, chắc sẽ phải còn rất lâu nữa thương hiệu "Gạo Mường Lò” mới có thể "bay cao trên thị trường” như người ta vẫn từng kỳ vọng.

Thương hiệu có dấu hiệu bị lợi dụng?

Được công nhận thương hiệu hàng hóa có CDĐL đã hơn một năm mà gạo sản xuất chuẩn thương hiệu mới được 3 tấn. Tuy vậy, hiện nay, trên thị trường, loại sản phẩm gạo đóng mác "Gạo Mường Lò” hiện đang được bán tràn ngập. 

Rất dễ nhận ra tại hầu hết các cửa hàng lương thực, các cơ sở kinh doanh, buôn bán gạo, dòng sản phẩm gạo Mường Lò được bày bán công khai, với số lượng lớn. Tất nhiên, theo giải thích của một số người trong cuộc thì bao bì "Gạo Mường Lò” chuẩn thương hiệu phải có logo, CDĐL rõ ràng.

Còn dòng sản phẩm chỉ in chữ "Gạo Mường Lò”, không có logo, CDĐL chỉ là sản phẩm thông thường, không phải thương hiệu "Gạo Mường Lò”. 

Với những người hiểu chuyện, biết việc thì có lẽ giải thích này cũng tạm ổn, nhưng đối với đại đa số người tiêu dùng, cái bao bì in dòng chữ "Gạo Mường Lò” chính là đã khẳng định nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm! Vậy thì, CDĐL, thương hiệu "Gạo Mường Lò” liệu có tồn tại được không giữa tâm bão của các dòng "sản phẩm thông thường” đang tràn ngập trên thị trường. 



Nhiều loại sản phẩm, mẫu mã hiện được sử dụng ngay trên vùng Mường Lò khiến người tiêu dùng không khỏi băn khoăn. 

Điều đáng nói ở đây là, giữa tranh tối tranh sáng, giữa có in logo và không in logo, giữa gạo đủ tiêu chuẩn với gạo "thông thường”, người tiêu dùng sẽ phải làm thế nào để tiếp cận được với sản phẩm "Gạo Mường Lò” thật. Nguy hiểm hơn, dòng "sản phẩm thông thường” này hiện là nguy cơ làm hỏng thương hiệu "Gạo Mường Lò”, bởi ai sẽ là người kiểm định chất lượng của chúng? Nếu chất lượng kém, ai sẽ đứng ra giải thích và bênh vực cho thương hiệu "Gạo Mường Lò”? Đấy là chưa kể đến việc đánh giá chất lượng của sản phẩm đóng mác thương hiệu "Gạo Mường Lò” hiện nay cũng đang gặp không ít khó khăn và bất cập. 

Ông Liễu Ngọc Mậu cho biết: "Hiện, chúng tôi đang đánh giá chất lượng gạo qua cảm quan, nấu ăn thử. Thấy ngon và cảm quan tốt thì là đạt tiêu chuẩn”. Thật khó hiểu cho việc đánh giá chất lượng gạo đạt chuẩn thương hiệu "qua cảm quan” và "nấu ăn thử”. Bởi lẽ, mỗi người có một khẩu vị khác nhau và chẳng lẽ có bao nhiêu lô hàng thì nấu ăn thử bấy nhiêu nồi cơm? Chẳng lẽ một thương hiệu với CDĐL rõ ràng lại không xây dựng nổi một bộ tiêu chuẩn cụ thể cho sản phẩm của mình?

Để "Gạo Mường Lò” không chìm lắng 

CDĐL là giúp bảo tồn, nâng cao giá trị kinh tế của hàng nông sản; được độc quyền sử dụng tên địa danh làm công cụ tiếp cận bất cứ thị trường nào, chống lại sự canh tranh không lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất. Và quan trọng nhất là người tiêu dùng được chỉ dẫn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn, chất lượng rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm. 

Có được CDĐL đã khó, nhưng để duy trì được CDĐL gắn với chất lượng của nông sản còn khó khăn, tốn kém hơn rất nhiều, nhưng những gì đang diễn ra khiến nhiều người phải giật mình lo ngại cho sự "chết yểu” của một trong những thương hiệu lớn mà chúng ta đã dày công xây dựng. Sự ảnh hưởng không chỉ đối với thương hiệu này mà nó ảnh hưởng rất lớn đến tiếng tăm, uy tín của tỉnh, đến hoạt động sản xuất và đời sống của rất rất nhiều hộ nông dân vùng Mường Lò.  

Nói đến đây, có thể chúng ta đã hình dung ra được bức tranh khá ảm đạm của thương hiệu "Gạo Mường Lò” kể từ khi được công nhận. Để quản lý và phát triển thương hiệu gắn liền với CDĐL "Gạo Mường Lò”, các cơ quan quản lý cần triển khai các hoạt động hỗ trợ bảo hộ, quản lý chỉ dẫn địa lý, góp phần nâng cao giá trị và tăng lợi thế cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, nhất là quản lý về giống, quy trình canh tác… 

Chính quyền thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân trong việc lựa chọn, gìn giữ và phát triển sản phẩm; xây dựng kế hoạch dài hạn trong việc phát triển thương hiệu sản phẩm "Gạo Mường Lò” của địa phương với sự vào cuộc và đồng hành của các doanh nghiệp đủ tầm; thể hiện vai trò cầu nối, hỗ trợ tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân trong việc khai thác, phát huy các giá trị của các sản phẩm đã được bảo hộ. 

Cùng với xây dựng mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp gắn với xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu hàng hóa có hiệu quả để liên kết hộ sản xuất, kinh doanh, hộ kinh tế gia đình trong sản xuất gắn với đơn vị chế biến và tiêu thụ sản phẩm thì Nghĩa Lộ, Văn Chấn cần củng cố các tổ chức tập thể của các nhà sản xuất, chế biến để cùng khai thác giá trị thương hiệu được bảo hộ. 

Đồng thời, cần xây dựng các quy chế sử dụng, quy chế quản lý và cần xử lý nghiêm các sai phạm làm ảnh hưởng đến danh tiếng của sản phẩm… để CDĐL và thương hiệu "Gạo Mường Lò” luôn là niềm tự hào của nông nghiệp Yên Bái; để người dân vùng Mường Lò có điều kiện nâng cao đời sống và thu nhập.

Thiên Cầm - Khánh Linh