Bảo đảm nguồn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đến năm 2020

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/6/2019 | 7:38:47 PM

Kể từ ngày 10/6/2019-1/2/2022, cho phép Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong đó có từ nguồn Thẩm phán cao cấp.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Triệu Thị Huyền phát biểu thảo luận tại hội trường. (Ảnh: Phương Hoa - TTXVN)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Triệu Thị Huyền phát biểu thảo luận tại hội trường. (Ảnh: Phương Hoa - TTXVN)

Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến phát biểu cơ bản đồng tình với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức tán thành với với sự cần thiết ban hành luật. Đồng thời nhấn mạnh đây là dự án luật quan trọng để kịp thời cụ thể hóa chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khắc phục những bất cập trong pháp luật hiện hành, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.

Các đại biểu đã thảo luận về nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức như về đối tượng là công chức, chính sách đối với người có tài năng, hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, về hình thức kỷ luật giáng chức, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức; thực hiện chế độ hợp đồng đối với viên chức tuyển dụng mới, hình thức xử lý kỷ luật đối với viên chức đã nghỉ hưu, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với viên chức…

Theo đại biểu Y Khút Niê – Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đắk Lắk, bày tỏ băn khoăn về quy định tuyển dụng đối với người có tài năng và đề nghị Ban soạn thảo làm rõ tiêu chí, khái niệm về người có tài năng trong dự thảo Luật để khi Luật có hiệu lực thi hành sẽ được áp dụng thống nhất, tránh tình trạng luật quy định chung chung mỗi nơi hiểu một kiểu xét tuyển công chức một cách tùy tiện, không bảo đảm chọn đúng người có tài năng vào các cơ quan nhà nước. 

Đồng thời đề nghị bổ sung đối tượng được xét tuyển công chức là người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn vào khoản 2 Điều 37 của dự thảo Luật. Bổ sung quy định này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta hiện nay nhằm tăng số lượng cán bộ dân tộc thiểu số vào các cơ quan của Đảng, Nhà nước.

Đại biểu Võ Thị Như Hoa – Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng lưu ý quan điểm xây dựng Luật là tiếp tục đổi mới phương thức tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền… đây chính là những vướng mắc cơ bản của luật hiện hành đang làm cho bộ máy chính quyền địa phương hoạt động chưa hiệu quả, tuy nhiên qua nghiên cứu có thấy có đến 8 điều trên tổng số 17 điều giao Chính phủ quy định và không có điều khoản nào phân cấp cho chính quyền địa phương. Đại biểu đặt câu hỏi vậy việc đẩy mạnh phân cấp thể hiện ở đâu và thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo xây dựng luật hay chưa.

Góp ý về Điều 6 dự thảo Luật quy định giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết chính sách phát triển thu hút, trọng dụng và chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng, đồng thời giao người đứng đầu cơ quan tổ chức quản lý công chức quy định chế độ đãi ngộ người có tài năng áp dụng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, đại biểu Võ Thị Như Hoa cho rằng, việc giao quy định như dự thảo sẽ khiến cho nhiều cơ quan cùng ban hành chế độ sử dụng, đãi ngộ người có tài năng dẫn đến việc áp dụng thiếu đồng bộ thống nhất. 

Hơn nữa quy định về chế độ sử dụng, đãi ngộ người có tài năng phải là quy định mang tính chất quy phạm . Do đó, đại biểu cũng đề nghị luật cần có khái niệm thế nào là người có tài năng và Chính phủ quy định tiêu chí để thu hút người có tài năng và giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chế độ sử dụng, đãi ngộ đối với người có tài năng sau khi được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua. Theo đại biểu, giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành để áp dụng thống nhất tại địa phương, đảm bảo thực hiện hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương và phù hợp với thẩm quyền ban hành văn bản.



Quốc hội thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 21/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) 

Đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum chỉ rõ, nhân tài là thuật ngữ được sử dụng nhiều trong xã hội và có nhiều quan điểm khác nhau về nhân tài nhưng chưa có văn bản nào của Đảng, Nhà nước xác định rõ ràng thống nhất về khái niệm nhân tài. Đại biểu đề nghị cần luật hóa những quan điểm, tư tưởng về nhân tài và phải bổ sung vào điều 6 dự thảo Luật và có quy định về tiêu chí cơ bản để xác định thế nào là nhân tài, có căn cứ cho Chính phủ quy định chi tiết cơ chế, chính sách phát hiện, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài; nêu phương thức phát hiện nhân tài theo hướng tuyển chọn tiến cử đào tạo bồi dưỡng nhân tài.

Tranh luận về đề nghị đưa khái niệm, tiêu chí về nhân tài trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng việc cụ thể các nội dung này vào luật sẽ khó bảo đảm đầy đủ, bao quát. Do đó điều quan trọng nhất để giúp phát triển tài năng là tháo gỡ những rào cản trong tuyển dụng hiện nay như việc mời một giáo sư nước ngoài về Việt Nam lãnh đạo một đơn vị chuyên môn sẽ rất khó khăn vì không có tiêu chí là viên chức hay có chứng chỉ về lý luận chính trị…Đại biểu đề xuất nên có hội đồng cho từng chuyên ngành cho các đơn vị sự nghiệp công lập, cho các ngành chuyên môn để phát hiện, bồi dưỡng tài năng. Bên cạnh đó cũng cần tháo gỡ nút thắt trong bổ nhiệm lãnh đạo chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập không cần phải là viên chức mà có thể là có hợp đồng lao động dài hạn.

Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, đã đến lúc phải trọng dụng nhân tài một cách thực sự bởi hiện nay nhân tài đang lãng phí rất nhiều và cần có luật riêng về vấn đề này mới bảo đảm khơi thông và phát huy nguồn lực này.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, qua thảo luận các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình xây dựng luật , Báo cáo thẩm tra, cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó cũng có ý kiến đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục nghiên cứu một số nội dung khác để có quy định phù hợp như vấn đề liên thông trong công tác cán bộ, vấn đề phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý hơn, gắn quyền hạn với trách nhiệm. 

Các nội dung liên quan đến quyền tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập, khái niệm tiêu chí đánh giá về người có tài năng, làm rõ thời hiệu và các vấn đề liên quan đến giá trị pháp lý đối với việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, người đã nghỉ hưu, cho thôi việc hoặc chuyển công tác; vấn đề kiểm định chất lượng đầu vào của tuyển chọn công chức…

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần bám sát, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, sâu sắc hơn các nghị quyết của Đảng, giải quyết được những vướng mắc, tồn tại đang đặt ra hiện nay; cần có đánh giá tác động của những chính sách mới kỹ hơn, toàn hiện hơn. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, ý kiến của đại biểu được ghi chép, ghi âm đầy đủ và sẽ được tổng hợp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.

(Theo quochoi.vn)