Những bông hoa trong vườn hoa đẹp

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/6/2019 | 8:14:48 AM

YênBái - Mỗi năm, có hàng trăm cá nhân được các cấp khen thưởng với những thành tích thi đua tiêu biểu. Họ công tác, lao động ở các lĩnh vực khác nhau và làm lên vườn hoa thi đua, góp công sức cho sự phát triển chung của quê hương. Báo Yên Bái xin trân trọng giới thiệu 3 trong số hàng nghìn bông hoa thi đua đó.

Từ trái qua phải: cô giáo Phạm Thị Thùy Nhung, chị Trần Thị Tình và anh Lê Mai Hiền.
Từ trái qua phải: cô giáo Phạm Thị Thùy Nhung, chị Trần Thị Tình và anh Lê Mai Hiền.

Không ngừng đổi mới phương pháp dạy học

Giảng dạy môn Địa lý vốn được xem là "khô khan” nhưng cô giáo Phạm Thị Thùy Nhung - giáo viên Trường THPT Thác Bà, huyện Yên Bình đã tìm tòi, mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy sinh động, linh hoạt trong từng bài giảng. Với phương châm "khơi gợi sự sáng tạo, tìm tòi, tự học” của các em học sinh, tiết học của cô luôn tạo không khí học tập thoải mái, nhẹ nhàng, thu hút sự tập trung của học sinh. 

Đặc biệt, sáng kiến "Sử dụng phương pháp sơ đồ hóa kiến thức trong dạy học môn Địa lý lớp 10 ở Trường THPT Thác Bà theo hướng tích cực” đã được triển khai áp dụng có hiệu quả trong nhà trường mang lại kết quả cao.

Chất lượng lớp cô phụ trách luôn đạt cao, tỷ lệ học sinh khá, giỏi chiếm 46,2%. Năm học 2017 – 2018, cô có 4 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lý (trong đó, có 2 giải Nhì, 1 giải Ba, 1 giải Khuyến khích). 

Năm học 2018-2019, cô có 1 học sinh giỏi cấp tỉnh, 1 học sinh tham dự đội tuyển học sinh giỏi cấp quốc gia. Với những thành tích đó, nhiều năm liền, cô được nhận bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành.

Năng động trong cơ chế thị trường

Xuất phát từ nhóm trồng rau an toàn, cùng 12 hộ trong xã Yên Hợp, huyện Văn Yên, chị Trần Thị Tình đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Trung Thành do chị làm Chủ nhiệm với mô hình trồng rau an toàn trong nhà kính và cung cấp cây, con giống, phân vi sinh cho các hộ nông dân. Lợi nhuận từ mô hình chưa cao, song đã mang lại lợi ích cho bà con, giải quyết việc làm cho nhiều chị em trong xã. 

Cao điểm có lúc HTX giải quyết việc làm cho 20 lao động (ngoài thành viên của HTX). Từ mô hình này, năm 2018, HTX có thu nhập trên 1 tỷ đồng. Với mô hình trồng rau trong nhà kính bằng phân vi sinh, ý tưởng của chị là 1 trong 35 ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp đạt giải từ trên 600 ý tưởng của hội viên phụ nữ trong toàn quốc do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. 

Tới đây, chị cùng HTX chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất để làm dây chuyền ủ phân chuồng thành viên vi sinh, viên nén. Phân bón này chị đã dùng trồng rau, trồng lúa, màu trong nhiều năm nay cho năng suất cao và bán ra thị trường dưới dạng phân tơi. 

Song chị ấp ủ làm viên nén để vận chuyển và sử dụng dễ dàng hơn. Nếu làm được mô hình này thì HTX của chị sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 10 lao động thường xuyên.

Người nông dân xuất sắc

Anh Lê Mai Hiền ở xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình vừa được Hội Nông dân tỉnh đề nghị tham gia xét tặng danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019” do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Hơn 100 ha rừng, 2 ha nuôi cá, 140 con dê, bò, chế biến gỗ rừng trồng từ 4.000 – 5.000 m3/năm đã đem lại hiệu quả kinh tế hàng tỷ đồng. Không những thế, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động và khoảng 40 lao động không thường xuyên. 

Kinh nghiệm nhiều năm trồng rừng, làm trang trại được anh thường xuyên chia sẻ với bà con nhân dân trong xã, trong huyện, cả các huyện khác đến tham quan, học tập. Những cách làm mới, những giống cây mới cũng được anh thử nghiệm trước, cho hiệu quả rồi mới chia sẻ, động viên cho bà con cùng làm. Chính vì vậy, anh luôn được bà con trong xã và các vùng lân cận tin yêu. Bên cạnh đó, anh còn tham gia đóng góp phúc lợi xã hội từ 30 – 50 triệu đồng/năm.

Thanh Vy