Yên Bái: Chống dịch như chống giặc

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/6/2019 | 8:21:50 AM

YênBái - Đến ngày 9/6/2019, dịch bệnh đã lan rộng ra 9/9 huyện, thị xã, thành phố ở 84 thôn, bản, tổ dân phố của 43 xã, phường, thị trấn, trên 2.960 con lợn đã ốm, chết và bị tiêu hủy, trọng lượng 126.040 kg.

Các chốt kiểm dịch động vật tạm thời kiểm soát việc vận chuyển lợn ra vào vùng dịch, phun khử trùng các phương tiện ra khỏi vùng dịch suốt ngày đêm.
Các chốt kiểm dịch động vật tạm thời kiểm soát việc vận chuyển lợn ra vào vùng dịch, phun khử trùng các phương tiện ra khỏi vùng dịch suốt ngày đêm.

Mặc dù từ trước khi bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP) xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh, toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và người dân cùng vào cuộc phòng, chống, ngăn chặn dịch, nhưng tính từ khi xuất hiện ổ dịch BDTLCP đầu tiên tại thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn, đến ngày 9/6/2019, dịch bệnh đã lan rộng ra 9/9 huyện, thị xã, thành phố ở 84 thôn, bản, tổ dân phố của 43 xã, phường, thị trấn, trên 2.960 con lợn đã ốm, chết và bị tiêu hủy, trọng lượng 126.040 kg.

Ngay khi xuất hiện BDTLCP ở Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện về việc tập trung triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn BDTLCP xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh Yên Bái. UBND tỉnh và ngành chức năng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và người dân khẩn trương triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh. 

Đặc biệt, tỉnh đã ban hành các kế hoạch, phương án hành động, ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng xâm nhiễm BDTLCP vào địa bàn; trong đó, hướng dẫn cụ thể các bước xử lý theo từng tình huống khi có dịch bệnh xảy ra. 

Khi có ổ dịch đầu tiên (ngày 4/5) tại thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp đến địa bàn chỉ đạo công tác khoanh vùng, dập dịch, xử lý ổ dịch, tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh; ban hành văn bản triển khai cấp bách các giải pháp ngăn chặn, khống chế dịch bệnh. 

BDTLCP diễn biến ngày càng phức tạp, nếu không làm tốt việc phòng, chống, ngăn chặn, có thể lây lan ra tất cả các xã, phường, hộ chăn nuôi trong toàn tỉnh, kể cả thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn mặc dù đã hết dịch sau hơn 30 ngày vẫn có thể nhiễm bệnh trở lại. 

UBND tỉnh cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác ngăn chặn, phòng, chống BDTLCP; hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi đảm bảo vệ sinh thú y; tỉnh đã cấp 7.122 lít thuốc sát trùng cùng các vật tư để thực hiện công tác phun tiêu độc khử trùng tại ổ dịch và các vùng uy hiếp, vùng đệm và các chốt kiểm dịch; thành lập 10 chốt kiểm dịch động vật liên ngành trên trục đường quốc lộ và tỉnh lộ; UBND các xã, phường, thị trấn thuộc vùng dịch và vùng uy hiếp thành lập 45 chốt kiểm dịch động vật tạm thời để kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra vào vùng dịch; các hộ chăn nuôi cũng đã chủ động bảo vệ tài sản của gia đình mình... 

Nhằm phát huy hiệu quả tối đa trong công tác phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh, ngày 13/5/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Chỉ thị số 29 - CT/TU về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phòng, chống, ngăn chặn BDTLCP trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế BDTLCP là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. 

Cùng đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để toàn thể nhân dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh, vận chuyển, giết mổ lợn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát 24/24 giờ việc vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm ra, vào địa bàn tỉnh, nhất là trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. 

Đối với các địa phương phát sinh bệnh dịch, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời việc phòng, chống dịch bệnh; thực hiện quyết liệt biện pháp cách ly, tổ chức tiêu độc khử trùng tiêu diệt mầm bệnh theo đúng quy định; đồng thời tích cực hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại theo Quyết định số 886/QĐ-UBND, ngày 23/5/2019 về việc quy định mức hỗ trợ cụ thể chủ vật nuôi có lợn mắc bệnh, lợn nghi mắc BDTLCP, lở mồm long móng, tai xanh buộc phải tiêu hủy trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

H.D