Người chăn nuôi Yên Bái “gồng mình” chống chọi dịch tả lợn châu Phi

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/6/2019 | 11:07:05 AM

YênBái - Giá lợn hơi đang xuống thấp từng ngày, người chăn nuôi vừa vất vả chống chọi với dịch bệnh, vừa phải gồng mình để duy trì đàn lợn đã đến kỳ xuất chuồng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Là một trong những hộ chăn nuôi quy mô lớn, lâu năm trên địa bàn xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, chưa bao giờ đàn lợn của gia đình anh Đỗ Văn Tuấn bị mắc bệnh. Đầu năm 2019, trên địa bàn xã nhiều hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh lở mồm long móng nhưng đàn lợn của gia đình anh vẫn an toàn và khỏe mạnh là do anh áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Có kinh nghiệm trong chăn nuôi, nhưng khi biết bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP) không có thuốc phòng và điều trị, anh Tuấn rất lo lắng cho đàn lợn gần 100 con, trong đó có 8 con lợn nái và gần 50 con lợn thịt đã đến kỳ xuất chuồng. Từ khi BDTLCP bùng phát tại 3 thôn trong xã, cứ đều đặn ngày hai lần anh Tuấn chủ động phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi. 

Anh cho biết: "Chưa có dịch thì gia đình cũng đã chú trọng vệ sinh và phun khử trùng, giờ dịch bệnh về gần đến nhà rồi thì tôi phun ngày 2 lần và phun đẫm thuốc hơn. Từ hôm xã có dịch, nhà đã mua hết vài triệu tiền thuốc khử trùng rồi. Gia đình cũng không có người vào nhà, nhất là thương lái và người bán thức ăn chăn nuôi. Cả gia tài nhà tôi nằm ở đàn lợn này, tôi phải bảo vệ nó đầu tiên”. 

Để phòng, chống, ngăn chặn BDTLCP lan rộng, nhiều hộ trên địa bàn đã thực hiện tốt những hướng dẫn chuyên môn từ cơ quan chức năng như: áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, khử trùng phòng trừ dịch bệnh; thực hiện nghiêm "5 không” (không giấu dịch; không mua bán; không giết mổ, mua bán lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt). 

Anh Đoàn Viết Tính ở tổ 3, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Nhà chỉ trông vào nghề nấu rượu và chăn nuôi nên phải quyết tâm bằng mọi cách bảo vệ đàn lợn này. Do vi rút BDTLCP tồn tại trong môi trường với thời gian dài, nên giờ dịch bệnh mà nhiễm vào đàn lợn thì có được Nhà nước hỗ trợ cũng không lại được vì lại phải nghỉ chăn nuôi hàng năm trời, không biết bao giờ mới khôi phục được. Trong thời gian đấy, biết lấy gì sống nên bằng mọi giá mình phải giữ được đàn lợn này qua đợt dịch”. 

Tư tưởng của anh Tuấn và anh Tính cũng là tư tưởng của nhiều hộ sống bằng nghề  chăn nuôi lợn. Họ đều biết được Nhà nước hỗ trợ khi có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy nhưng không ai muốn thế vì ảnh hưởng đến sinh kế lâu dài của cả gia đình. 

Hiện nay, giá lợn hơi đang xuống thấp từng ngày, người chăn nuôi vừa vất vả chống chọi với dịch bệnh, vừa phải gồng mình để duy trì đàn lợn đã đến kỳ xuất chuồng. Trong khi dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, rất khó kiểm soát. Do vậy, các cấp chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền mức độ nguy hiểm của bệnh dịch; kiểm soát chặt chẽ khâu vận chuyển, giết mổ; người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm "5 không”. 

Đặc biệt BDTLCP không lây nhiễm sang người, do vậy, người tiêu dùng không nên quay lưng lại với thịt lợn mà nên lựa chọn những sản phẩm lợn an toàn, chế biến chín để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Quyết định số 886/QĐ - UBND, ngày 23/5/2019 của UBND tỉnh về mức hỗ trợ cụ thể chủ vật nuôi có lợn mắc bệnh, lợn nghi mắc BDTLCP, lở mồm long móng, tai xanh buộc phải tiêu hủy trên địa bàn tỉnh quy định: đối với lợn con, lợn thịt các loại, hỗ trợ 80% giá thị trường tại thời điểm và địa phương có dịch bệnh xảy ra; đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác hỗ trợ 1,75 lần so với mức hỗ trợ các loại lợn khác tại thời điểm có dịch bệnh; giá thị trường để tính toán mức hỗ trợ cụ thể là giá bình quân chung trong tỉnh, được Sở Tài chính xác định và công bố hàng tháng; thời gian hỗ trợ trong khoảng thời gian từ khi công bố dịch đến khi công bố hết dịch.


Hồng Duyên