Trạm Tấu đa dạng hình thức tuyên truyền pháp luật

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/6/2019 | 11:14:57 AM

Những năm qua, Phòng Tư pháp huyện Trạm Tấu đã chủ động tham mưu với UBND huyện trong việc tự kiểm tra, rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL), góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân.

Cán bộ Phòng Tư pháp huyện Trạm Tấu trao đổi kế hoạch tuyên truyền pháp luật ở cơ sở.
Cán bộ Phòng Tư pháp huyện Trạm Tấu trao đổi kế hoạch tuyên truyền pháp luật ở cơ sở.

Để đa dạng hóa công tác TTPBGDPL, hàng năm, Phòng Tư pháp huyện đã chủ động tham mưu với UBND huyện kiện toàn Hội đồng TTPBGDPL; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ hòa giải viên; kiểm tra việc xây dựng và quản lý, khai thác tủ sách pháp luật tại các xã, thị trấn; xây dựng kế hoạch TTPBGDPL trong các nhà trường… Nội dung tuyên truyền tập trung về: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Đất đai; Luật Hộ tịch; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Phòng chống bạo lực gia đình... 

Phòng còn tập trung nghiên cứu đặc điểm đời sống, sinh hoạt của từng địa phương để xây dựng công tác tuyên truyền sát với tình hình thực tế của người dân như: xã Tà Xi Láng tập trung tuyên truyền về phòng chống tảo hôn và phòng chống ma túy; xã Bản Mù tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; xã Hát Lừu tuyên truyền về Luật Phòng, chống mua bán người với các hành vi, thủ đoạn… 

Ông Vũ Xuân Đặng – Trưởng phòng Tư pháp huyện cho biết: "Với nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh công tác TTPBGDPL tới người dân, Phòng đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn, các tổ chức đoàn thể, hàng năm, tổ chức gần 500 buổi tuyên truyền cho gần 27.000 lượt người tham gia. Ngoài ra, các địa phương còn tổ chức cho người dân ký cam kết không vi phạm pháp luật. Ngoài ra, chúng tôi còn tăng cường trong việc kiểm tra, rà soát trên 2.500 văn bản các loại/năm. Những năm trước đây, việc trình bày các thể thức văn bản cấp xã thường sai về thể thức, kể cả thẩm quyền về chức năng nhiệm vụ, nhưng do tăng cường tập huấn nghiệp vụ nên các văn bản của cấp xã ban hành đều bảo đảm về nội dung, thể thức và thẩm quyền ban hành”.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ tư pháp từ huyện đến cơ sở đang đảm nhiệm một khối lượng công việc rất lớn. Cấp huyện là 27 đầu việc và cấp xã, thị trấn là 23 đầu việc. Chỉ tính riêng 6 tháng năm 2019, công tác chứng thực là 11.290 việc; trong đó, Phòng Tư pháp chứng thực 522 việc và cấp xã, thị trấn 10.431 việc. 

Ngoài ra, cán bộ tư pháp còn làm thủ tục đăng ký khai sinh cho 420 trường hợp; đăng ký kết hôn 86 cặp; đăng ký khai tử 42 trường hợp; thay đổi hộ tịch 9 trường hợp; tiến hành hòa giải thành 31/34 vụ việc. 

Nội dung các vụ việc chủ yếu về lĩnh vực tranh chấp đất đai, việc sử dụng nguồn nước và mâu thuẫn trong nội bộ gia đình. Công tác hòa giải đã giảm tình trạng đơn thư khiếu nại vượt cấp, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của các gia đình, tạo mối đoàn kết tình làng, nghĩa xóm.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ tư pháp ở các xã, thị trấn của huyện Trạm Tấu đã cơ bản được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, chiếm 85% là có trình độ cử nhân Luật và 15% có trình độ trung cấp Luật… 

Ngoài những nhiệm vụ về công tác hành chính tư pháp, TTPBGDPL, đội ngũ cán bộ tư pháp còn tham mưu giúp huyện trong việc phê duyệt các quy ước, hương ước cho các xã. 

Thời gian tới, Phòng Tư pháp huyện Trạm Tấu tiếp tục đa dạng hóa công tác TTPBGDPL ở cơ sở, đặc biệt là các xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường trợ giúp pháp lý lưu động; đẩy mạnh hoạt động các tổ hòa giải…

Thái Hưng