Yên Bái: Nhiều giải pháp bù đắp sản lượng thịt do dịch tả lợn châu Phi

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/6/2019 | 8:19:35 AM

YênBái - Mặc dù tỉnh, ngành chức năng và các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp chỉ đạo phòng, chống, song bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP) vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp do tính chất lây lan nhanh và đặc biệt là không có vắc - xin phòng và thuốc điều trị bệnh.

Xuất hiện từ ngày 4/5/2019 tại hộ ông Vũ Thanh Tùng ở tổ dân phố số 9, thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn như vết dầu loang, BDTLCP đã lan ra 9/9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Yên Bái. 

Thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đến ngày 17/6, BDTLCP đã quét qua 91 thôn, bản, tổ dân phố của 49 xã, phường, thị trấn. 3.333 con lợn với trọng lượng 141.229 kg của 712 hộ dân bị chết và tiêu hủy. 

Theo thống kê, kể từ khi xuất hiện dịch tới nay, trung bình mỗi ngày tỉnh Yên Bái có khoảng từ 70 - 80 con lợn bị xóa xổ và thời gian tới, con số này còn tiếp tục gia tăng nếu BDTLCP chưa được khống chế và tiếp tục lây lan diện rộng. 

Đàn lợn tại các địa phương sẽ giảm mạnh kéo theo giá trị, sản lượng ngành chăn nuôi sẽ giảm, gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân và làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu Nhà nước của ngành nông nghiệp. 

Theo tính toán của ngành nông nghiệp tỉnh, nếu không có phương án, giải pháp chỉ đạo phát triển sản xuất thì giá trị sản xuất chăn nuôi dự ước 6 tháng cuối năm sẽ thụt giảm khoảng từ  28 - 50% giá trị tương đương 171 - 300 tỷ đồng, giảm khoảng 120.000 - 210.500 đầu lợn, bằng 6.560 - 11.577 tấn lợn hơi xuất chuồng. 

Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp tỉnh xây dựng phương án phát triển sản xuất, nhằm bù đắp thiếu hụt về sản lượng giá trị chăn nuôi lợn do BDTLCP gây ra. 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thế Hùng cho biết: cùng với việc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống BDTLCP, Sở đã lên phương án chỉ đạo các địa phương khuyến khích người chăn nuôi chuyển sang vật nuôi khác như gia cầm, gia súc ăn cỏ, phát triển chăn nuôi thủy sản. 

Cụ thể, các địa phương sẽ tập trung phát triển tăng thêm về quy mô đầu đàn, sản lượng thịt hơi đàn gia cầm, trong đó, trọng tâm là phát triển đàn gà bởi đây là đối tượng vật nuôi đang có thế mạnh phát triển và trong 6 tháng cuối năm có thể tăng số lứa nuôi tối đa 2 đến 3 lứa để bù đắp về sản lượng thịt hơi; đồng thời, đảm bảo nhu cầu thực phẩm thay thế. 

Như vậy, theo kịch bản này, trong 6 tháng cuối năm tập trung phát triển tăng thêm 250.000 con gia cầm, sản lượng tăng 500 tấn, giá trị bù đắp khoảng 25 tỷ đồng. Bên cạnh phát triển mạnh chăn nuôi gia cầm, các địa phương sẽ tăng cường vỗ béo bò thịt; tập trung phát triển chăn nuôi thỏ, chăn nuôi dê... 

Cụ thể, các địa phương tập trung vỗ béo cho 1.000 con bò tại 6 huyện gồm: Lục Yên, Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình, Văn Chấn, Mù Cang Chải. 

Tại huyện Yên Bình có thế mạnh về mặt nước tập trung phát triển tăng thêm về sản lượng thủy sản, bằng các đối tượng có thời gian  nuôi trồng ngắn như: cá diêu hồng, rô phi đơn tính, cá quả, chép lai... bằng hình thức nuôi lồng. 

Ngoài ra, cần phát triển tăng thêm về giá trị lâm nghiệp bằng việc tăng diện tích khai thác và trồng mới diện tích rừng, khai thác quế, sơn tra và lâm sản ngoài gỗ. 

Ngoài ra, sẽ tập trung hướng dẫn người dân chăm sóc cây trồng, tăng năng suất cây lương thực và phát triển sản xuất dâu, tằm để bù đắp thêm giá trị, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2019.

Văn Thông