Cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp ở Yên Bái: Vì sao chậm?

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/7/2019 | 1:51:44 PM

YênBái - Sau 5 năm thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông - lâm nghiệp, đến nay, Yên Bái mới hoàn thành việc sáp nhập Lâm trường Văn Chấn vào Ban Quản lý Rừng phòng hộ Mù Cang Chải, việc cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp tiến độ vẫn còn chậm...

Khai thác gỗ rừng trồng ở Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Thác Bà (huyện Yên Bình).
Khai thác gỗ rừng trồng ở Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Thác Bà (huyện Yên Bình).

Thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông - lâm nghiệp, tỉnh sẽ thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối của 4 công ty lâm nghiệp gồm: Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Ngòi Lao, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Việt Hưng, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Thác Bà và Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Yên Bình; thực hiện giải thể Lâm trường Lục Yên và Lâm trường Văn Yên; sáp nhập Lâm trường Văn Chấn vào Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải. 

Căn cứ các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của Nhà nước về cổ phần hóa, tỉnh Yên Bái đã quyết liệt chỉ đạo các ngành, các công ty lâm nghiệp, lâm trường thực hiện; tiến hành rà soát thực trạng hoạt động của các công ty lâm nghiệp, lâm trường. 

Trong đó, tỉnh đã phê duyệt giá trị doanh nghiệp và công bố giá trị doanh nghiệp, phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty lâm nghiệp; đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị làm nhà đầu tư chiến lược tại các công ty lâm nghiệp theo tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược đã được tỉnh ban hành; đã xây dựng và hoàn thành phương án cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp. 

Tính đến hết năm 2017, tỉnh đã xây dựng xong phương án cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, phương án chưa được phê duyệt, nguyên nhân do đến thời điểm 01/01/2018 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp Nhà nước và công ty TNHH một thành viên do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần (thay thế Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011) đã có hiệu lực thi hành nên nhiều nội dung phương án cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp đã xây dựng không còn phù hợp, dẫn đến công tác triển khai cổ phần hóa tiến hành chậm gây nên một số khó khăn cho các doanh nghiệp. 

Cụ thể, việc xác định giá trị doanh nghiệp để tiến hành cổ phần hóa 4 công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp đã được phê duyệt trong năm 2016. Tuy nhiên, hiện nay giá trị doanh nghiệp đã có nhiều biến động. 

Cụ thể, tài sản trên đất (rừng trồng) đã tăng trưởng về khối lượng; tài sản, vật kiến trúc đã hao mòn, xuống cấp. Do đó, giá trị doanh nghiệp đến thời điểm hiện nay không còn phù hợp với thời điểm được phê duyệt giá trị doanh nghiệp. 

Công tác cổ phần hóa kéo dài, các khoản chi phí để tiến hành cổ phần hóa hiện nay chưa thể quyết toán, dẫn đến việc hạch toán sản xuất, kinh doanh hàng năm của các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp gặp khó khăn nhất định. 

Về cơ cấu tổ chức và kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chưa thật sự ổn định, chưa thể xác định mục tiêu, phương hướng cụ thể, dẫn đến tâm lý người lao động tại các doanh nghiệp dao động, trông chờ vào hình thức sản xuất kinh doanh mới của doanh nghiệp. 

Cùng với việc cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp, việc giải thể các lâm trường làm ăn thua lỗ đã ngừng hoạt động cũng đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, theo quy định của Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư lại không có hình thức phá sản công ty nông, lâm nghiệp. 

Hiện nay, một số công ty phải giải thể đủ điều kiện phá sản nhưng không thực hiện được vì các khoản công nợ của các công ty này lớn, chủ sở hữu không có khả năng giải quyết. Nếu thực hiện giải thể cần có cơ chế xử lý nợ để giảm gánh nặng cho địa phương. 

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc như trên, tỉnh đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục xem xét bổ sung các cơ chế, chính sách có liên quan đến lĩnh vực xử lý tài chính khi tiến hành giải thể các công ty nông, lâm nghiệp, các lâm trường. 

Về mô hình sắp xếp đề nghị Chính phủ cho phép các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được thực hiện cổ phần hóa theo phương án Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối và vẫn có nhà đầu tư chiến lược tham gia. 
Văn Thông