Trường TH&THCS Âu Lâu: Tập trung hai việc học và làm theo Bác

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/7/2019 | 8:09:24 AM

YênBái - Học và làm theo Bác, năm 2019, Trường TH&THCS Âu Lâu đã tập trung hai việc: nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở cả 2 bậc học và xây dựng thư viện chuẩn, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.

Học sinh Trường TH&THCS Âu Lâu, thành phố Yên Bái đọc sách, báo tại góc thư viện của Trường.
Học sinh Trường TH&THCS Âu Lâu, thành phố Yên Bái đọc sách, báo tại góc thư viện của Trường.

Không chỉ đến khi được quán triệt, học tập Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” mà nhiều năm qua, thầy và trò Trường TH&THCS Âu Lâu luôn thấm nhuần lời dạy của Người "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, đã không ngừng nỗ lực vượt khó, đoàn kết, sáng tạo, thi đua dạy tốt, học tốt trở thành một trong những đơn vị tiêu biểu của thành phố Yên Bái trong học tập và làm theo Bác.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Không chờ đến cuộc thi hay các cuộc vận động mà ở Trường TH&THCS Âu Lâu học và làm theo Bác là việc làm hàng ngày của mỗi giáo viên. Hàng năm, chúng tôi bám sát chủ đề để xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình của nhà trường. Năm 2019, Trường tập trung vào hai việc, thứ nhất là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của cả 2 bậc học, trong đó chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra đánh giá trong toàn trường đã thu được kết quả khả quan, sát với thực tế, kết quả thực chất không có con số ảo, không bệnh thành tích; tỷ lệ thi đỗ vào THPT cao hơn những năm trước, đã có học sinh đỗ vào Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành. Việc thứ hai, nhà trường đã tập trung xây dựng thư viện chuẩn và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường”. 

Quan điểm của nhà trường, học Bác thiết thực nhất là tự rà soát xem những việc gì mà nhà trường còn yếu, rồi tập trung làm. Và xây dựng thư viện được nhà trường xác định là vừa đảm bảo đủ tiêu chuẩn giữ vững trường chuẩn quốc gia, vừa phát triển văn hóa đọc trong trường. Vì vậy, nhà trường tiến hành rà soát các tiêu chí thư viện đạt chuẩn trong trường học rồi tự bổ sung hoàn thiện. 

Xác định điều đó, Trường đầu tư thêm sách báo cho học sinh, xây dựng thư viện thân thiện bên ngoài các lớp học đã cho hiệu quả rõ nét. Sách có ở khắp trong trường, từ các sảnh hành lang ở các dãy lớp học cho đến bên trong lớp học. Mỗi góc được các thầy cô trang trí đẹp với các khẩu hiệu mời gọi như "Sách quý như người bạn tốt”, "Chăm đọc sách là cách học thông minh nhất”, "Đọc sách cùng tôi, bạn nhé!”... 

Trong các lớp học đều có tủ đựng sách, gọi là góc thư viện, chủ yếu là sách giáo khoa, sách tham khảo được trang trí với các câu mời gọi: "Hôm nay bạn đã đọc cuốn sách nào chưa?” hay "Hãy đọc sách mỗi ngày”, "Đọc sách để khám phá thế giới... 

Do đó, ở trong Trường, các em có thể tranh thủ đọc sách ở bất kỳ nơi nào. Nguồn sách để mở thư viện là sách sẵn có, được thầy cô, học sinh ủng hộ và nhà trường cũng trích ngân sách ra mua. Hiện nay, toàn trường có trên 7.500 cuốn sách, báo, tạp chí. 

Trong đó, sách giáo khoa có trên 4.800 cuốn, đảm bảo 100% học sinh có đủ bộ sách giáo khoa để học. Các em học sinh thuộc diện chính sách, học sinh nghèo được mượn; đảm bảo 100% giáo viên trực tiếp đứng lớp có đủ sách giáo khoa để soạn giảng theo khối lớp. Ngoài ra, còn có sách nghiệp vụ, sách tham khảo, sách pháp luật, sách đạo đức, truyện đọc, truyện tranh, thơ... Nhà trường còn đặt thêm các lại báo: Nhi đồng chăm học, Thiếu niên, Giáo dục và thời đại...  

Để thu hút học sinh đến với thư viện, nhà trường thành lập tổ cộng tác viên thư viện gồm 9 giáo viên và 21 học sinh là trưởng ban thư viện của 21 lớp trong toàn trường. 

Cô giáo Nguyễn Minh Hoài - Tổng phụ trách Đội chia sẻ: "Thành viên trong tổ thường xuyên phối hợp với cán bộ thư viện, tổng phụ trách Đội, các tổ chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm đôn đốc thúc đẩy phong trào đọc sách báo, giữ gìn, bảo quản sách, tuyên truyền giới thiệu sách, đổi sách cho các giá sách trong trường. Vào thứ hai đầu tuần, kết hợp với giờ chào cờ, giáo viên và học sinh giới thiệu sách mới, những cuốn sách hay thu hút các em đến với thư viện”. 

Nhờ hiệu quả của thư viện thân thiện mà học sinh trong nhà trường đã tiếp cận với sách được nhiều hơn, đẩy mạnh được phong trào đọc sách vốn đang bị mai một do sự phát triển của công nghệ. 

Thầy Nguyễn Văn Nhã chia sẻ: "Các em học sinh chăm đọc sách, đồng nghĩa với việc các em giảm được thời gian tiếp xúc với điện thoại thông minh, tăng cường trí nhớ, đặc biệt là khai thác được kho kiến thức vô tận từ sách. Không chỉ có học sinh, mà văn hóa đọc trong giáo viên được đẩy mạnh, các thầy cô tích cực đọc, tích cực ủng hộ sách cho nhà trường. Các lớp học cũng hình thành được các nhóm học sinh yêu sách, từ đó lan tỏa được phong trào đọc sách ngay trong lớp”. 

Mặc dù mới đi vào hoạt động, song thư viện thân thiện đã tạo ra được phong trào đọc sách rộng khắp trong nhà trường, góp phần tạo ra những thay đổi tích cực trong cách dạy và học của thầy và trò. Nhiều sáng kiến của thầy cô được đưa ra mang lại hiệu quả trong từng tiết học. Học sinh dễ dàng tiếp cận được với kiến thức mới, ngôn ngữ phong phú, những vận dụng liên môn được rõ ràng mạch lạc. 

Để duy trì thư viện thân thiện, cô Huyền cho biết, nhà trường cũng đã có những kiến nghị với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố có kế hoạch phối hợp với Thư viện tỉnh để các trường trên địa bàn được liên hệ mượn sách; liên hệ với các tổ chức, các cơ quan báo chí, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh ủng hộ các ấn phẩm địa phương để các nhà trường có tủ sách địa phương phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập, tìm hiểu. Cùng với đó, có sự trao đổi sách giữa các trường trong thành phố mỗi kỳ học một lần. 

Từ mô hình này cho thấy học và làm theo Bác ở Trường TH&THCS Âu Lâu có cách làm rất riêng đó là tìm ra những hạn chế tự sửa chữa, hoàn thiện - đây là cách học Bác thiết thực nhất.

Thanh Ba