Sáp nhập địa giới hành chính: Cơ hội phát triển vùng Mường Lò

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/7/2019 | 7:59:42 AM

YênBái - Mở rộng địa giới hành chính thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh chủ trương sáp nhập 6 xã: Sơn A, Phù Nham, Thanh Lương, Thạch Lương, Phúc Sơn, Hạnh Sơn và thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ về thị xã Nghĩa Lộ với tổng diện tích sáp nhập trên 77 km2, dân số trên 37.000 người.

Vùng chè thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ sẽ là vùng kinh tế quan trọng của thị xã Nghĩa Lộ sau sáp nhập.
Vùng chè thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ sẽ là vùng kinh tế quan trọng của thị xã Nghĩa Lộ sau sáp nhập.

Người dân ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ chủ yếu là đồng bào các tỉnh miền xuôi lên khai hoang, phát triển kinh tế từ những năm 60 của thế kỷ trước. Thị trấn có khoảng 1/3 diện tích đất đai và dân cư thuộc khu vực cánh đồng Mường Lò. 

Về vị trí địa lý, từ trung tâm thị trấn đến trung tâm huyện Văn Chấn cũng tương đương đến trung tâm thị xã Nghĩa Lộ. Vì vậy, việc sáp nhập về thị xã hầu hết người dân đều ủng hộ. 

Tuy nhiên, theo ông Lê Công Uẩn ở tổ dân phố 4 thì việc đặt tên xã nên cân nhắc để khi nhắc đến người dân vẫn biết và nhớ về địa danh Nông trường, vốn giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở Văn Chấn. "Theo tôi, nếu đổi tên thành xã Nông trường Nghĩa Lộ sẽ là toàn vẹn nhất” - ông Uẩn nói. 

Mở rộng địa giới hành chính thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh chủ trương sáp nhập 6 xã: Sơn A, Phù Nham, Thanh Lương, Thạch Lương, Phúc Sơn, Hạnh Sơn và thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ về thị xã Nghĩa Lộ với tổng diện tích sáp nhập trên 77 km2, dân số trên 37.000 người. 

Ông Hoàng Minh Thơ ở xã Phù Nham chia sẻ: "Về mặt hành chính thì chúng tôi giao dịch với thị xã Nghĩa Lộ sẽ thuận lợi hơn. Song, nhân dân còn băn khoăn về một số giấy tờ phải chuyển đổi địa chỉ và sự thay đổi về cơ quan quản lý hành chính sẽ tác động đến đời sống. Khi sáp nhập vào thị xã, chúng tôi mong muốn được hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi giấy tờ tùy thân thuận lợi cho quá trình công tác”. 

Bên cạnh những thuận lợi về phát triển kinh tế - xã hội, cư dân của 6 xã và 1 thị trấn được sáp nhập vào thị xã Nghĩa Lộ chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Mường sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng các dân tộc chung tay bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của cư dân Mường Lò. Những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của các xã, thị trấn này sẽ là nền tảng, động lực bổ sung và thúc đẩy sự phát triển chung của thị xã Nghĩa Lộ. 

Chị Hà Thị Toán ở xã Thạch Lương chia sẻ: "Chúng tôi ở Thạch Lương chủ yếu là đồng bào Thái, nếu chuyển về Nghĩa Lộ cũng thuận về văn hóa, tín ngưỡng. Cùng chung cánh đồng Mường Lò, cùng nền văn hóa sẽ giúp chúng tôi được giao lưu, học hỏi, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội”. 

Thực hiện chủ trương của tỉnh, thời gian qua, huyện Văn Chấn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến nhân dân về mục đích, ý nghĩa việc sáp nhập. Các địa phương đã họp, xin ý kiến của nhân dân và chuẩn bị các điều kiện để lấy ý kiến các cử tri. 

Ông Hà Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Thạch Lương cho biết: "Chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo các thôn bản họp dân để phổ biến chủ trương, động viên nhân dân đồng thuận, yên tâm lao động sản xuất. Xã cũng lập danh sách cử tri chuẩn bị tốt các điều kiện để cử tri tiến hành cho ý kiến theo quy định. Về cơ bản, cán bộ, đảng viên và nhân dân đều đồng thuận, sẵn sàng cho việc sáp nhập vào thị xã Nghĩa Lộ”. 

Cũng theo ông Hà Văn Tuấn, sự đồng thuận của nhân dân có ý nghĩa quan trọng đẩy nhanh tiến độ sáp nhập. Thực hiện thành công đề án sáp nhập địa giới hành chính sẽ mở ra cơ hội để nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống ngày càng văn minh, hạnh phúc.

Ngọc Sơn