Yên Bái tập trung khống chế dịch, ổn định sản xuất

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/7/2019 | 8:02:44 AM

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên vào ngày 4/5 tại 2 hộ chăn nuôi ở tổ 3, tổ 9, thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã huy động các lực lượng khoanh vùng dập dịch và tiêu hủy lợn nhiễm bệnh theo quy định.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng trước những diễn biến phức tạp, khó lường, dịch bệnh đã và đang bùng phát mạnh trên địa bàn. Tính đến ngày 7/7, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 900 hộ ở 132 thôn, bản, tổ của 63 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị xã, thành phố ; tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy 5.051 con với trọng lượng 231.142 kg, chiếm trên 10% tổng đàn lợn toàn tỉnh. 


Qua thực tế cho thấy, nguyên nhân phát sinh bệnh dịch phần lớn là do các cơ sở, hộ chăn nuôi chưa tuân thủ chăn nuôi khép kín, không đảm bảo vệ sinh an toàn sinh học; số lợn mắc bệnh chủ yếu là ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình, trong thời gian có dịch không áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch. 

Ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi- Thú y tỉnh cho biết: "Số lợn bị bệnh, bị chết phải tiêu hủy chiếm 10% tổng đàn là một thiệt hại rất nặng nề cho ngành chăn nuôi nói chung và cho các hộ chăn nuôi nói riêng. Tuy nhiên, số lợn mắc bệnh tập trung tại các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ với trên 900 hộ chăn nuôi, như vậy số lượng nuôi bình quân chỉ 5 con/hộ. Chỉ có 1 hộ tại thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn có quy mô tương đối lớn với 239 con. Đây là một vấn đề khó khăn trong công tác phòng chống và khống chế dịch bệnh”. 

Một nguyên nhân nữa là ý thức của một số hộ dân chưa cao trong phòng chống dịch bệnh, khi có bệnh dịch thay vì báo cáo ngay cho ngành chức năng tổ chức tiêu hủy thì lại bán chạy, giết mổ... 

Công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh rất quyết liệt, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhưng có nơi, có chỗ cán bộ, người dân thực hiện chưa đúng quy trình, chưa nghiêm, thiếu tinh thần trách nhiệm cao. 

Cùng đó, thiếu người trực tiếp nắm bắt thông tin, giám sát, phát hiện dịch bệnh và thực hiện các nhiệm vụ xử lý ổ dịch và theo dõi dịch bệnh từ cơ sở. Tỉnh đã tổ chức cấp phát trên 7.380 lít thuốc sát trùng, trên 21 tấn vôi bột, thành lập 58 chốt kiểm soát dịch bệnh... 

Chính quyền các cấp cũng ban hành kế hoạch, kịch bản ứng phó nhưng xử lý rất lúng túng, thiếu đồng bộ, từ việc vận chuyển lợn đi tiêu hủy đến việc chôn lấp, kiểm soát phương tiện ra vào vùng dịch, vùng uy hiếp... 

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, người chăn nuôi, đến ngày 2/7, đã có 8 xã, phường/thị trấn qua 30 ngày không có thêm lợn mắc bệnh. Để đến ngày 30/8 cơ bản khống chế dịch bệnh và đến 30/9 khống chế hoàn toàn bệnh dịch tả lợn châu Phi, các địa phương cần thực hiện khẩn trương, kiên quyết, đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh dịch. 

Trong đó, bảo vệ nghiêm ngặt các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, hạn chế tối đa dịch phát sinh, lây lan tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các hộ chăn nuôi lớn cần thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng các biện pháp ngăn ngừa tiếp xúc vật nuôi với các mầm bệnh. 

Đối với những vùng đã có dịch, qua 45 ngày không phát sinh ổ dịch mới người chăn nuôi có thể tái đàn, nhưng con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh... Đồng thời, làm tốt công tác kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ, nhất là kiểm soát tốt việc buôn bán thịt lợn rong. 

Cùng đó, các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi theo đúng đối tượng, chế độ chính sách để người chăn nuôi có điều kiện ổn định cuộc sống và phát triển chăn nuôi. 

Đến 15 giờ ngày 10/7, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 937 hộ ở 138 thôn, bản, tổ của 66 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị xã, thành phố; tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy 5.649 con trọng lượng 261.112 kg. 

Trong ngày 10/7, bệnh dịch tả lợn phát sinh thêm tại các xã cũ với số lợn mắc bệnh phát sinh là 37 con mắc bệnh; mắc bệnh chết và tiêu hủy 97 con; trọng lượng tiêu hủy 4.664 kg. Cũng đến ngày 10/7, đã có 13 xã qua 30 ngày không có thêm lợn mắc bệnh (huyện Văn Chấn: thị trấn Nông trường Trần Phú, xã Sơn Thịnh, xã Chấn Thịnh; huyện Yên Bình: xã Yên Thành; huyện Lục Yên: xã Liễu Đô; huyện Văn Yên: xã Yên Hưng, Xuân Tầm, Mỏ Vàng, Phong Dụ Thượng, Lâm Giang; thành phố Yên Bái: phường Minh Tân; huyện Trấn Yên: thị trấn Cổ Phúc, xã Minh Tiến).

Ngọc Trúc