Văn xuôi Yên Bái - những bước đi vững chãi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/7/2019 | 8:07:35 AM

YênBái - 40 năm, lực lượng tác giả văn xuôi Yên Bái đã cho ra đời khoảng 211 tập sách, gồm các thể loại tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn, ký, truyện thiếu nhi, tiểu luận phê bình và văn hóa dân gian, trong đó có những tác giả có đến 40 đầu sách các loại.

Nhìn lại 40 năm qua, tính đến năm 1991 (sau khi tách tỉnh), lực lượng sáng tác văn xuôi Yên Bái mới chỉ dừng lại ở con số 15 tác giả trong tổng số 54 hội viên các chuyên ngành văn học nghệ thuật. Nhắc đến văn xuôi Yên Bái những năm 1991, ta không thể quên những cái tên như Hoàng Hạc, Xuân Nguyên, Hoàng Hữu Sang, Phạm Tuất... Dù họ không còn nhưng những tác phẩm của họ vẫn trong tâm thức của những người yêu văn học. Cùng thế hệ đàn anh khi ấy là những cái tên như Hoàng Thế Sinh, Thái Sinh, Hoàng Việt Quân, Hà Lâm Kỳ, Trần Cao Đàm, Dương Soái, Ngọc Bái,…. 

Sau một chút (từ năm 1992 trở lại đây) là Quang Bách, Bùi Thị Kim Cúc, Nguyễn Hiền Lương, Nguyễn Thế Quynh, Vũ Quý, Hoàng Tương Lai, Bội Đông, Vũ Quang Trung… Họ vẫn còn miệt mài sáng tác ở độ sung sức nhất và đạt được ngày càng nhiều thành quả cao. Những tên tuổi ấy đã trở thành quen thuộc trong làng văn chương Yên Bái và cả nước. 

Hiện tại số lượng tác giả văn xuôi đã là 30, trong tổng số 153 hội viên (chưa kể những hội viên đã mất hoặc thôi sinh hoạt). Nối tiếp những mùa trái ngọt của thế hệ đi trước, những tác giả trẻ cũng đang cố gắng hết mình để văn chương của họ đơm hoa. 

Lực lượng này bước đầu cũng đã khẳng định được mình trên văn đàn, những cái tên đã dần trở thành quen thuộc như Nguyễn Ngọc Yến, Nông Quang Khiêm, Hoàng Kim Yến, Thái Ly, Dương Thu Phương, Thu Phong, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Phương Thùy... Điều đó phần nào khẳng định sự phát triển không ngừng về số lượng tác giả đã chọn văn xuôi làm nghiệp sáng tác.

40 năm, lực lượng tác giả văn xuôi Yên Bái đã cho ra đời khoảng 211 tập sách, gồm các thể loại tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn, ký, truyện thiếu nhi, tiểu luận phê bình và văn hóa dân gian. Trong đó có những tác giả có đến 40 đầu sách các loại. 

Thành quả ấy là sự nỗ lực sáng tạo không ngừng của nhiều lớp văn nghệ sỹ trong tỉnh, khẳng định niềm say mê văn chương trong họ là chưa bao giờ tắt. Điều này còn được khẳng định qua số lượng đầu sách xuất bản mỗi năm một tăng. 12 năm đầu kể từ ngày thành lập (1979- 1991) các tác giả văn xuôi đã xuất bản khoảng 29 tập sách, trong đó có 2 tập văn hóa dân gian, trung bình mỗi năm xuất bản gần 2,4 cuốn. 

14 năm tiếp sau (1991- 2005) lực lượng tác giả văn xuôi xuất bản được khoảng 102 tập sách, trong đó có 18 tập văn hóa dân gian, trung bình mỗi năm xuất bản 7,3 cuốn. 10 năm gần đây nhất (2009- 2018) lực lượng văn xuôi cho ra mắt bạn đọc 76 tập sách, trong đó có 10 tập văn hóa dân gian, trung bình mỗi năm xuất bản gần 8 cuốn sách. 

Điều này chứng tỏ thế hệ văn xuôi hiện tại đang bước những bước vững vàng, khẳng định sự phát triển đi lên của văn xuôi Yên Bái. 

Nhận định trên còn được thấy rõ qua số lượng các giải thưởng của Trung ương cũng tăng dần hàng năm. Giai đoạn 1979 - 1991 đoạt 12 giải thưởng Trung ương. Giai đoạn 1991 - 2005 cũng đoạt 12 giải và giai đoạn gần đây nhất (2009 - 2018) đoạt 18 giải Trung ương - đó là tín hiệu đáng mừng của văn xuôi Yên Bái. 

Điểm qua 211 tập sách của tác giả văn xuôi Yên Bái trong 40 năm qua, ta mới thực sự hiểu, văn chương đang là tri kỷ đồng hành cùng những bước thăng trầm của tỉnh nhà cũng như của cả nước. Qua văn chương, người ta hiểu được rõ hơn một Yên Bái có bề dày văn hóa đa sắc tộc. Điều này được thể hiện qua số lượng lớn tập sách nghiên cứu - sưu tầm văn hóa dân gian. 

Với dân tộc Tày Yên Bái có truyện cổ "Hai người con tiên”, tập nghiên cứu- sưu tầm "Hát quan làng trong đám cưới người Tày ở Yên Bái” của Hoàng Tương Lai”…; với người Thái Mường Lò có truyện cổ dân gian vùng Văn Chấn - Mường Lò "Suối nước mắt” của cố tác giả Phạm Đức Hảo, các tập nghiên cứu - sưu tầm: "Nhân sinh dưới bóng đại ngàn - Những mỹ tục của người Thái Tây Bắc” của cố tác giả Trần Vân Hạc, "Dân tộc và bản sắc văn hóa vùng Mường Lò - Văn Chấn” (4 tập) của cố tác giả Bùi Huy Mai, "Tìm hiểu tục cúng vía của người Thái đen Mường Lò” của Hoàng Thị Hạnh và Nguyễn Mạnh Hùng; người Mông có truyện cổ dân tộc Mông "Nàng Nu” của cố tác giả Minh Khương; người Sán Chay có "Truyện cổ Sán Chay” của cố tác giả Lâm Quý; người Dao có tập nghiên cứu - sưu tầm "Lễ cưới người Dao Nga Hoàng” của Nguyễn Mạnh Hùng; người Cao Lan có truyện dân gian "Đát Ô Đồ” của tác giả Hoàng Việt Quân… 

Ở văn chương còn lấp lánh truyền thống yêu nước, lòng dũng cảm, mưu trí đánh giặc ngoại xâm của những người con Yên Bái. Ở giai đoạn sớm nhất là truyện thơ dân tộc Thái "Cầm Hánh đánh giặc Cờ vàng” - Hoàng Việt Quân và Lò Văn Biến, tiếp đến là "Đất Mường thời dông lũ”, "Âm vang Ngòi Vần” của Trần Cao Đàm, "Kỷ vật cuối cùng” của nhà văn Hà Lâm Kỳ, "Năm phút trước khi chết” của cố tác giả Phạm Đức Hảo, "Xóm chợ” của Nguyễn Hiền Lương. 

"Cánh cung đỏ” của nhà văn Hà Lâm Kỳ, "Ngang trời mây đỏ” của nhà thơ Ngọc Bái và giai đoạn lịch sử gần đây nhất là "Âu Lâu bến lửa” của Trần Cao Đàm… Những tác phẩm văn học đã khắc họa sinh động từng giai đoạn lịch sử của Yên Bái trong đấu tranh cách mạng và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. 

Ở văn học, người ta còn thấy sự hy sinh của người Yên Bái cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Đó là cuộc di dân đã đi vào lịch sử của tỉnh nhà để nhường chỗ cho một nhà máy thủy điện đầu tiên của đất nước. 

Một chiến lược của Đảng ta trong công cuộc xây dựng miền Bắc chủ nghĩa xã hội và là hậu phương vững chắc cho miền Nam (truyện dài "Ké Nàm” của cố nhà văn Hoàng Hạc). Đó là sự đấu tranh không khoan nhượng của người Yên Bái với cái xấu, cái ác để cuộc sống con người trở nên thiện hơn, chân thực hơn và đẹp đẽ hơn. 

Trong từng tác phẩm luôn lấp lánh những nhân vật thông minh, chính trực, chịu thương chịu khó, bao dung, nhân hậu, dũng cảm và kiên trung. 

Tất cả là biểu trưng của con người Yên Bái trong cuộc sống đời thường tuy không cam go như trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm nhưng lại nhiều góc khuất và tiềm ẩn muôn vàn thử thách. Có thể kể đến tiểu thuyết "Thuốc phiện và lửa”, "Ma tiền” của nhà văn Hoàng Thế Sinh, "Hoa mí rừng” của Địch Ngọc Lân, "Nẻo đời sau bão” của Nguyễn Thế Chửng”, "Tuổi thơ nghèo khó” của Nguyễn Đức Long …, các tập truyện ngắn: "Hạnh phúc chẳng ngọt ngào” của cố tác giả Xuân Nguyên, "Cõi đời thứ ba” của Bá Khánh, "Hẻm 98 ngách N” của Vũ Quý, "Quả lựu đạn cài hoa” của Hoàng Tương Lai, "Miền rừng thuở ấy” của Nguyễn Hiền Lương, "Cây cột điện trong đêm” của Hoàng Việt Quân, "Người cha bất hạnh” của Quang Bách, "Thuyền lá” của Thái Sinh. "Mùa xa” của Nguyễn Ngọc Yến, "Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải” của Nông Quang Khiêm, "Hương chanh” của Thúy Hợp, "Cái bát vỡ” của Bùi Thị Kim Cúc…

40 năm, trải qua nhiều thăng trầm, văn xuôi Yên Bái vẫn luôn là một chuyên ngành có những bước đi lặng thầm mà vững chãi. Cùng với bao nhiêu thế hệ, cả những người đã mất và những người vẫn đang hết mình cống hiến cho văn học, lực lượng sáng tác văn xuôi đã làm nên một diện mạo của văn xuôi Yên Bái để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng công chúng và giới chuyên môn. Tất cả đang lặng thầm đồng hành cùng với tỉnh và góp phần không hề nhỏ trong việc xây dựng con người Việt Nam hướng thiện...

(Theo VHNT Yên Bái)