Hội nghị trực tuyến toàn quốc về xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/7/2019 | 12:32:15 PM

YênBái - Sáng 23/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chính phủ điện tử chủ trì Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương.

Dự Hội nghị, tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí thành viên trong Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh.


Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Nghị quyết 17/NQ- CP  về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 đã huy động được sự vào cuộc của khu vực tư nhân, hỗ trợ của quốc tế, những chuyên gia giỏi trong và ngoài nước, sau 3 tháng triển khai đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản hoàn thành được 10/16 nhiệm vụ cụ thể được giao trong 6 tháng đầu năm 2019. 


Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái.

Đến nay, nước ta đã vận hành được một số hệ thống có ý nghĩa trong triển khai Chính phủ điện tử như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, các nội dung lớn của Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng đang được thực hiện... Đã cơ bản hoàn thành nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, giải pháp xác thực tập trung và xây dựng danh mục các dịch vụ công thiết yếu cho vòng đời của một con người, doanh nghiệp để triển khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. 

Dự kiến sẽ đưa vào thử nghiệm trong tháng 9/2019 và vận hành chính thức trong tháng 11/2019. Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ đang tích cực phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Tại tỉnh Yên Bái, đến nay, việc triển khai xây dựng Chính quyền điện tử đã đạt được một số kết quả tích cực như: Hạ tầng công nghệ thông tin, mạng chuyên dùng của cơ quan nhà nước bước đầu được đầu tư để phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước và phục vụ giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp; các hệ thống phần mềm dùng chung từng bước được đầu tư, nâng cấp phù hợp tới nhu cầu thực tế của địa phương. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành của tỉnh hiện nay đã được triển khai sử dụng tại 99 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đã cấp chứng thư số của Ban Cơ yếu Chính phủ cho 362 cơ quan, đơn vị và 79 cán bộ, công chức, viên chức. 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố có tài khoản thư điện tử, và thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc. 

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chính phủ điện tử, cho biết việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử là công việc mới, việc khó, nên thường xuyên tổng kết, sơ kết rút kinh nghiệm là cần thiết; phải quyết tâm làm cho được Chính phủ điện tử. Về phương hướng những tháng cuối năm 2019, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định 28 của Thủ tướng, xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành, cơ sở dữ liệu quốc gia, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo danh mục Thủ tướng đã ban hành và khả năng sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia…

Minh Huyền - Mạnh Cường