Ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi: Nguy cơ từ thịt bán rong

  • Cập nhật: Thứ tư, 31/7/2019 | 8:22:40 AM

YênBái - "Đội quân” bán thịt lợn rong trên địa bàn thành phố Yên Bái có nhiều hình thức tinh vi nhằm che mắt, qua mặt các cơ quan chức năng khi bị kiểm tra như để thịt vào cốp xe máy, cho vào thùng đựng cá, để trong các thùng xốp bên dưới là thịt lợn, bên trên là thịt gà, thịt bò; vận chuyển bằng taxi, thậm chí bằng đường thủy...

Trong khi bệnh dịch bùng phát, các hàng thịt lợn bán rong hàng ngày vẫn ngang nhiên hoạt động ở các tuyến đường, ngõ phố trên địa bàn thành phố Yên Bái.
Trong khi bệnh dịch bùng phát, các hàng thịt lợn bán rong hàng ngày vẫn ngang nhiên hoạt động ở các tuyến đường, ngõ phố trên địa bàn thành phố Yên Bái.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng và lây lan nhanh, bình quân một ngày có khoảng 20 - 25 hộ báo có lợn ốm, chết. Các cấp, ngành, địa phương và nhân dân đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống, khống chế, dập dịch, nhất là tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát lưu thông các sản phẩm từ lợn trên địa bàn để hạn chế thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

Hành trình thịt lợn rong

6 giờ sáng ngày 21/7/2019, tại chợ tạm đầu đường Lê Lợi, thành phố Yên Bái (ngã tư đèn đỏ Km4 rẽ trái), có khoảng chục tiểu thương với những chiếc xe máy mang biển kiểm soát tỉnh Phú Thọ chở thùng thịt lợn, gà đứng bán trên vỉa hè. 

Tiến đến các hàng thịt trên, tôi đỗ xe và được một chị bán thịt gà (vì thấy một nửa bên thùng hàng của chị có 3 con gà đã mổ sẵn) đon đả mời chào mua hàng. Tôi nói muốn sang hàng bên cạnh mua thịt lợn thì chị kéo lại bảo chị cũng có. Vừa nói chị vừa kéo tấm vải tối màu che nửa thùng còn lại ra và giới thiệu thịt lợn ngon nhà mổ cho tôi. 

Thấy tôi có vẻ e dè, chị giải thích: "Thịt ngon đấy em ạ, lợn nhà chị mổ nhưng vì thời gian này đang có BDTLCP, phải qua chốt kiểm dịch nên phải làm thế này, coi như mình đi bán thịt gà”.

- Chị không phải người Yên Bái đúng không? Em thấy chị đi xe biển kiểm soát của tỉnh Phú Thọ - tôi hỏi.

- Ừ, chị ở Hạ Hòa nhưng chị bán thịt trên này nhiều năm rồi.

- Chị đi đường, qua các chốt kiểm dịch không có ai kiểm tra hay sao?

- Có chứ, có kiểm tra nhưng chị nhờ người nhà đi xe tay ga chở đi trước, khi qua chốt thì chuyển sang, còn trên xe chỉ để thịt gà thôi.

Sang hàng bên cạnh, tôi thấy chị này bày bán thịt lợn công khai không cần giấu. Khi tôi hỏi về nguồn gốc thịt lợn thì chị đưa cho một tờ giấy phô tô nhàu nát của một cơ sở giết mổ ở xã Văn Phú, thành phố Yên Bái được cơ quan chức năng công nhận là cơ sở giết mổ đủ điều kiện an toàn.

Chị nói chị tên H, nhà ở xã Hậu Bổng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ lên lò mổ ở xã Văn Phú lấy thịt đi bán rong trong thành phố Yên Bái và được lò mổ này đưa cho tờ giấy trên để "lưu hành”. Tuy nhiên, trên thực tế, tờ giấy phô tô mà chị H cho tôi xem không có giá trị về mặt pháp lý.

7 giờ kém 15 phút, chị H rời chợ tạm để tiếp tục hành trình mang thực phẩm đến tận cửa nhà các bà nội trợ. Đi ngay sau chị, tôi thấy chị giao thịt cho các quán bún chả, xôi, cháo ăn sáng dọc đường Điện Biên, sau đó đi vào đường Đinh Tiên Hoàng, rẽ sang đường Ngô Gia Tự, đường Hà Huy Tập, phường Đồng Tâm. Dọc các tuyến đường, chị dừng lại một số nhà dân và gọi họ ra mua thịt.

Hàng ngày, trên các tuyến đường của thành phố Yên Bái, những hàng thịt lợn bán rong vẫn cứ rong ruổi mọi ngõ ngách, phố phường. Trên các tuyến giao thông từ quốc lộ, tỉnh lộ đến các trục đường xã, thôn, vẫn có các trạm, chốt kiểm dịch động vật tạm thời nhưng các hàng thịt bán rong vẫn ngang nhiên hoạt động từ địa bàn có dịch sang địa bàn không có dịch.

Nguy cơ lây lan dịch bệnh

Hiện nay, BDTLCP trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang diễn biến hết sức phức tạp, tốc độ lây lan nhanh. Tính đến 15 giờ ngày 28/7/2019, BDTLCP xảy ra tại 1.180 hộ ở 180 thôn, bản, tổ của 78 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị xã, thành phố. 

Trong đó: huyện Văn Chấn 14 xã, thị trấn; thị xã Nghĩa Lộ 6 xã, phường; huyện Trấn Yên 15 xã, thị trấn; huyện Trạm Tấu 9 xã; huyện Lục Yên 9 xã; huyện Yên Bình 5 xã; huyện Văn Yên 10 xã; thành phố Yên Bái 8 xã, phường; huyện Mù Cang Chải 2 xã. 

Tổng số lợn mắc bệnh 4.149 con, tiêu hủy 7.265 con, trọng lượng 342.753 kg. Mặc dù các cấp, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt, nhân dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống, khống chế, ngăn chặn nhưng dịch chưa có dấu hiệu dừng lại. 

Công tác phòng chống, ngăn chặn bệnh dịch gặp nhiều khó khăn dẫn đến bùng phát, lây lan diện rộng một phần do việc kiểm tra, kiểm soát các tư thương buôn bán lợn giống, kiểm soát lưu thông sản phẩm từ thịt lợn có nhiều khó khăn. 

Ông Nguyễn Ngọc Thái - Chủ tịch Hội Nông dân phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái là thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống BDTLCP phường cho biết, phường Hợp Minh rất khó khăn trong công tác kiểm soát, ngăn chặn dịch vì có nhiều tuyến đường liên thôn thông với các xã, phường khác nên các hàng bán thịt lợn rong trốn chốt kiểm dịch đi vòng qua các tuyến đường này. 

"2 tổ tuần tra lưu động của phường, mỗi tổ 5 người phải hoạt động từ 4 giờ sáng, tăng cường công tác kiểm tra, sau khi kiểm tra đã phát hiện và nhắc nhở hàng chục trường hợp bán thịt lợn rong, chủ yếu là người của xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái và huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ” - ông Thái nói. 

Thời gian qua, thực hiện công tác phòng chống BDTLCP, mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng do lực lượng mỏng trong khi địa bàn rộng, nhiều tuyến đường từ các huyện dẫn vào trung tâm thành phố nên công tác kiểm tra, kiểm soát chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Việc bán thịt lợn rong đã thu hút không ít người tiêu dùng và có một lượng khách hàng nhất định vì các bà nội trợ đỡ phải mất công đi chợ. 

Tuy nhiên, hoạt động này tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như có thể là một trong những nguyên nhân lây lan dịch bệnh do không kiểm soát được nguồn gốc, nhất là trong tình hình BDTLCP đang diễn biến phức tạp trên địa bàn.

Cần siết chặt khâu lưu thông

Để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát lưu thông, UBND tỉnh Yên Bái đã thành lập Tổ công tác liên ngành kiểm soát vận chuyển, lưu thông động vật, sản phẩm động vật (tập trung chủ yếu vào lợn và sản phẩm thịt lợn) trên địa bàn tỉnh. 

Tính đến ngày 17/7/2019, Tổ công tác liên ngành đã kiểm tra 168 cơ sở, phương tiện, trong đó có 6 cơ sở chăn nuôi lợn, 27 cơ sở giết mổ lợn nhỏ lẻ, 5 cơ sở kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm động vật và 130 phương tiện (ô tô) vận chuyển động vật và sản phẩm động vật đồng thời đã xử phạt vi phạm hành chính (phạt tiền) 15 trường hợp, thu nộp ngân sách nhà nước 61,5 triệu đồng. 


Tự tin vì đã có bản phô tô giấy chứng nhận của cơ sở giết mổ đủ điều kiện an toàn, người bán thịt lợn rong này bày bán công khai.

Ông Ninh Trần Phương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành kiểm soát vận chuyển, lưu thông động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh cho biết: "Thực tế là Tổ công tác liên ngành không thể kiểm soát hết được lượng lưu thông thịt lợn trên địa bàn toàn tỉnh. Các cấp chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt, thành lập các tổ kiểm soát lưu động thường xuyên kiểm tra trên các trục đường liên xã, liên thôn. Mặt khác cũng cần phải có chế tài xử phạt nặng đối với các hành vi vi phạm”. 

Hiện nay, "đội quân” bán thịt lợn rong trên địa bàn thành phố Yên Bái có nhiều hình thức tinh vi nhằm che mắt, qua mặt các cơ quan chức năng khi bị kiểm tra như để thịt vào cốp xe máy, cho vào thùng đựng cá, để trong các thùng xốp bên dưới là thịt lợn, bên trên là thịt gà, thịt bò; vận chuyển bằng taxi, thậm chí bằng đường thủy... 

Bà Phạm Minh Phương - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố Yên Bái cho biết: Trên thực tế những hàng thịt lợn bán rong đã tồn tại nhiều năm nay nhưng việc kiểm soát lưu thông còn gặp nhiều khó khăn. Trong thời điểm BDTLCP xâm nhiễm vào địa bàn, thành phố Yên Bái đã thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại các địa phương có dịch; tăng cường phối hợp với Tổ công tác liên ngành kiểm tra lưu động, Công an, Đội Quản lý thị trường số 2 thành phố thực hiện công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. 

"Đặc biệt, thành phố sẽ tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát đối với các cơ sở giết mổ lợn nhỏ lẻ trên địa bàn trong việc nhập - xuất lợn, sản phẩm của lợn” - bà Phương cho hay.

Để công tác phòng chống BDTLCP đạt hiệu quả cao, thiết nghĩ, ngành nông nghiệp, các ngành liên quan, chính quyền địa phương các cấp phải tiếp tục vào cuộc quyết liệt, không lơ là, không buông lỏng công tác quản lý đối với việc vận chuyển, lưu thông các sản phẩm từ thịt lợn; tiếp tục tập trung chỉ đạo, siết chặt khâu kiểm soát vận chuyển lưu thông lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc vào địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định trong công tác phòng chống dịch đối với việc vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn theo đúng quy định của pháp luật. 

Hồng Duyên