"Kiên ốc nhồi" ở Hòa Cuông

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/8/2019 | 8:08:38 AM

YênBái - Chọn nuôi con ốc nhồi - một loài đặc sản chỉ ăn lá cây và các phụ phẩm nông nghiệp, với anh Nguyễn Văn Kiên ở xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên, tình cờ đến với con ốc bao nhiêu thì thành công đến cũng bất ngờ như vậy.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà anh "Kiên ốc nhồi” - một biệt danh người dân nơi đây gán cho anh kể từ ngày con ốc nhồi được anh nuôi thành công. Trải qua rất nhiều công việc ruộng vườn, nhưng thu nhập của gia đình anh Kiên không ổn định và vẫn loay hoay trong việc tìm một loại cây trồng, vật nuôi cho thu nhập ổn định. 

Thế rồi, anh Kiên đến với nghề nuôi ốc nhồi hết sức tình cờ khi thấy một số người dân trong xã bắt ốc nhồi ở suối, ở ruộng bán với giá cả trăm nghìn đồng/kg. Anh chợt nảy ra ý tưởng tự nuôi ốc nhồi để bán thương phẩm vì thấy thị trường đang cần, trong khi ốc tự nhiên thì ngày càng hiếm. 

Nghĩ là làm, năm 2015 anh Kiên đã mua gom khoảng 10 kg ốc nhồi của người dân với giá hơn 1 triệu đồng và quyết định chuyển đổi nửa sào ruộng nước gần nhà sang nuôi ốc. Ban đầu, do chưa hiểu hết về ốc nhồi, tỷ lệ thất thoát cao khiến anh Kiên hết sức lo lắng. 

Với lại, ở xã Hòa Cuông cũng như trong huyện Trấn Yên chưa có mô hình nuôi ốc nhồi nào nên việc tham quan, học hỏi kinh nghiệm để phát triển nuôi ốc gặp nhiều khó khăn. Anh tự tìm sách, báo và tìm tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi ốc ở trên mạng Internet. 

Tình cờ đến với con ốc bao nhiêu thì thành công đến cũng bất ngờ như vậy. Đầu tư mất hơn 1 triệu đồng, sau hơn 8 tháng chăm nuôi, vụ ốc đầu tiên gia đình anh Kiên thu hoạch được hơn 3 tạ ốc thịt với giá bán 90.000 - 100.000 đồng/kg đã mang lại thu nhập hơn 30 triệu đồng.

Theo anh Kiên, ốc là đối tượng nuôi rất dễ và nguồn thức ăn khá phong phú, đa dạng như bèo tấm, rau mồng tơi, lá sắn, lá bầu... nhưng ốc nhồi lại rất nhạy cảm với thức ăn bẩn, nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, những đợt nuôi sau này, gia đình anh tìm kiếm nguồn thức ăn đảm bảo không bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài thức ăn, nuôi ốc nhồi cần quan tâm đến chất lượng nguồn nước. Nước phải đảm bảo không bị ô nhiễm và luôn duy trì mực nước từ 40 - 100 cm. 

Hàng ngày, cần quan sát lượng thức ăn tiêu thụ để bổ sung hợp lý. Nếu thức ăn dư thừa sẽ ô nhiễm nguồn nước, dẫn đến ốc bị chết. Ốc nhồi mùa đông dường như không hoạt động, lúc đó, cần giảm lượng nước trong ao để ốc rúc xuống bùn trú đông, hoặc thả cây bèo lục bình xuống ao để giữ ấm cho ốc. Anh Kiên cho biết thêm: ốc nhồi là con đặc sản, có thể nấu được nhiều món ăn ngon nên đây là loại vật nuôi khá triển vọng và cho hiệu quả kinh tế cao. 

Đặc biệt, so với các loại vật nuôi khác thì nuôi ốc nhồi chi phí đầu tư cực thấp và không mất tiền mua thức ăn nên rất phù hợp với nuôi nhỏ lẻ để tăng thu nhập. Cứ như vậy, mỗi năm anh lại mở rộng thêm diện tích ao nuôi ốc. 

Đến nay, gia đình anh Kiên đã chuyển đổi toàn bộ diện tích ruộng và ao quanh nhà để nuôi ốc và hiện đã có hơn 5 sào. Ngoài ra, anh đã có thể sản xuất ốc giống để bán cho các hộ có nhu cầu nuôi trong khu vực. Ốc nhồi nuôi sau 12 tháng là sinh sản và thời gian ốc nhồi sinh sản từ tháng 2 - 8 âm lịch. 

Một con ốc mẹ đẻ từ 5 - 6 ổ trứng/năm, thời gian ấp trứng từ 20 - 25 ngày, khi ấp phải thường xuyên quan sát trứng và luôn giữ cho trứng khô. Với kinh nghiệm mà mình tích lũy được, anh Kiên còn nhiệt tình chia sẻ phương thức nuôi ốc nhồi cho nhiều người dân trong xã. Đến nay, một số hộ dân trong vùng đã đến học hỏi kinh nghiệm và bắt tay vào nuôi. 

Ông Nguyễn Văn Sách, thôn 2, xã Hòa Cuông cho hay: "Tham quan mô hình nuôi ốc nhồi của nhà anh Kiên, tôi thấy gia đình mình cũng có thể nuôi được vì kỹ thuật nuôi khá đơn giản, diện tích nuôi không cần lớn, nguồn thức ăn sẵn có nên tôi cũng đang bắt đầu áp dụng để tăng thu nhập cho gia đình”.

Nhu cầu của mặt hàng ốc thương phẩm luôn rất cao, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Một sào nuôi ốc có thể cho thu hoạch cả 4 - 5 tạ ốc thịt mỗi năm, lợi nhuận 40 - 50 triệu/sào. Lợi nhuận cao, dễ chăm sóc và không tốn công lao động nên việc phát triển các mô hình nuôi ốc nhồi tại xã Hòa Cuông rất cần được nhân rộng để góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Thanh Tiến (Trung tâm TT&VH Trấn Yên)