Bình yên sau lũ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/8/2019 | 7:56:35 AM

YênBái - Chúng tôi trở lại Văn Chấn những ngày cuối tháng 7. Đúng khoảng thời gian này cách đây một năm, nhiều xã trong huyện phải hứng chịu trận mưa lũ kinh hoàng gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản với trên 600 hộ bị ảnh hưởng.

Những ngôi nhà xây mới khang trang ở khu định cư mới Noong Mi, bản Tủ, xã Sơn Lương.
Những ngôi nhà xây mới khang trang ở khu định cư mới Noong Mi, bản Tủ, xã Sơn Lương.

Nhưng  chỉ sau một năm, với sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước, địa phương và những tấm lòng hảo tâm, sự nỗ lực của chính người dân, cuộc sống của bà con vùng lũ Văn Chấn đã và đang hồi sinh từng ngày. 

Vào Văn Chấn, chúng tôi đến thăm lại bản Tủ, xã Sơn Lương - địa phương bị thiệt hại nặng nề sau trận lũ lịch sử. Bản Tủ trước đây có 69 hộ sinh sống dọc hai bên bờ suối dưới chân núi Khe Ma và hầu hết người dân trong bản là đồng bào Thái. Bao năm nay, cuộc sống của bà con luôn yên bình, vậy mà, chỉ trong phút chốc, cơn lũ kinh hoàng đã xóa sổ nơi mà người dân đã bao đời gắn bó. 

Sau khi thăm lại bản làng từng bị cơn lũ nhấn chìm với nhiều dấu vết vẫn còn đó, chúng tôi được Chủ tịch UBND xã Sơn Lương đưa lên khu định cư mới tập trung Noong Mi, bản Tủ - nơi bố trí cho 43 hộ dân trong xã di dời lên ở sau đợt lũ. Nằm trên cao, bằng phẳng, mỗi hộ đến nơi ở mới này được bố trí mảnh đất rộng gần 200 m2 để làm nhà. 

Những ngôi nhà, không khác nhau mấy về kiểu cách, quy mô, cách trang trí được xây vững chãi từ sự trợ giúp của Nhà nước, sự ủng hộ của các nhà hảo tâm. 

Bên căn nhà mới khang trang, kiên cố, bà Hà Thị Hóa là một trong 15 hộ có nhà bị sập trôi hoàn toàn sau cơn lũ dữ tháng 7/2018 rưng rưng: "Nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước và các nhà hảo tâm, gia đình tôi đã có được căn nhà kiên cố để yên tâm lao động sản xuất và ổn định cuộc sống sau thiên tai. Gia đình tôi hiện đã cải tạo được 700 m2 đất sản xuất và bắt đầu trồng lúa từ vụ xuân 2019”. 

Ở đây, chúng tôi cũng gặp lại anh Lò Văn Dung - người mà cả vợ và con trai bị thiệt mạng sau trận lũ dữ sáng 20/7/2018. Dáng người nhỏ thó, làn da đen sạm, khuôn mặt anh vẫn chưa hết thẫn thờ dù nỗi đau mất vợ, con thơ mới 2 tuổi đã trôi qua hơn một năm. 

Dẫn chúng tôi đến ngôi nhà cấp 4 lợp phi broximăng được xây dựng chắc chắn, anh Dung tâm sự: "Ở ngôi nhà mới, tôi cảm thấy an toàn và không còn lo sợ khi có mưa lũ. Mặc dù cuộc sống của gia đình vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng tôi sẽ cố gắng vượt qua để có một cuộc sống tốt hơn”.

Đợt mưa lũ hồi tháng 7/2018, xã Sơn Lương có 15 nhà bị lũ cuốn trôi sập hoàn toàn, 90 hộ nằm trong vùng nguy hiểm phải di dời về nơi ở mới, trên 50 ha lúa và nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị thiệt hại. 

Ngay sau mưa lũ, xã tiến hành rà soát và bố trí quỹ đất tái định cư tập trung ở khu đất Noong Mi, bản Tủ và đất Thủy Lợi 2, bản Giõng với tổng diện tích là 1,15 ha cho 48 hộ và đất ở xen ghép cho các hộ còn lại. Đến nay, toàn bộ những hộ bị mất trắng nhà cửa hoặc thuộc diện phải di dời khẩn cấp sau bão lũ của xã đều đã được bố trí về nơi ở mới an toàn, bảo đảm cuộc sống. 

Ông Hà Văn Hưng - Chủ tịch UBND xã Sơn Lương cho hay: "Sau khi có nơi ở mới, các hộ dân bị ảnh hưởng do mưa lũ đã tích cực khôi phục lại sản xuất, ổn định cuộc sống. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã khôi phục xong, ổn định sản xuất trở lại là 41/54 ha. Xã cũng đã vận động, hướng bà con nuôi trồng những cây, con có giá trị kinh tế cao để phát triển kinh tế lâu dài, bền vững. Nhà cửa đảm bảo an toàn, đường điện cũng đã được lắp đặt nhưng công trình nước sinh hoạt và đường giao thông tuy đã có chủ trương, kế hoạch xây dựng, song đến nay chưa thực hiện. Do đó, chính quyền địa phương mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành để công trình đường giao thông và nước sinh hoạt ở khu tái định cư trên địa bàn xã được sớm xây dựng, để bà con yên tâm "an cư lạc nghiệp” ở nơi ở mới”.

Rời bản Tủ, xã Sơn Lương, chúng tôi đến khu định cư mới Km16, thôn Nậm Kịp, xã Nậm Lành. Trước đây, bà con ở khu  định cư mới này đều ở bản trong của thôn Nậm Kịp, song khu ở đó nguy hiểm luôn rình rập khi vừa gần suối, vừa có nguy cơ sạt lở cao. 



Có ngôi nhà mới an toàn, gia đình anh Triệu Văn Phúc ở khu định cư mới Km16, thôn Nậm Kịp, xã Nậm Lành phấn khởi, yên tâm lao động, phát triển kinh tế. 

Đồng chí Triệu Tòn Pết - Chủ tịch UBND xã Nậm Lành cho biết: "Sau khi rà soát, trên địa bàn xã có 15 hộ nằm trong vùng nguy hiểm, cần di dời khẩn cấp. Xã đã bố trí 3 hộ xen ghép và 12 hộ về nơi ở tập trung mới ở Km16. Tại nơi ở tập trung mới, hiện các hộ đã bố trí làm nhà ở và ổn định sản xuất. Lúc đầu, tâm lý bà con không muốn rời nơi ở đã gắn bó bao đời, song chính quyền địa phương đã tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con trong đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, chủ động di chuyển đến nơi ở mới an toàn”. 

Đứng trước ngôi nhà mới xây rộng rãi, khang trang, anh Triệu Văn Phúc bày tỏ: "Trước đây, cứ đến mùa mưa là bà con lo lắng nước suối dâng lên cao rồi lại lo mưa làm đất, đá trượt, sập, vùi lấp. Được chính quyền địa phương quan tâm, gia đình tôi được cấp 180 m2  đất ở tại khu định cư này. Về nơi ở mới an toàn, ai cũng phấn khởi, yên tâm lao động, phát triển kinh tế”. 

Cuộc sống ở đây đã an toàn, song khó khăn lớn nhất của các hộ dân khi chuyển đến nơi ở mới đó là toàn bộ diện tích đất canh tác của họ vẫn ở nơi ở cũ cách đó khoảng 4 km. Điều này, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của bà con. 

"Trước mắt, chính quyền địa phương sẽ vận động bà con từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với điều kiện canh tác ở xa. Về lâu dài, UBND xã sẽ huy động các nguồn lực đầu tư kiên cố hóa các tuyến đường để việc đi lại phục vụ sản xuất của bà con được thuận lợi. Đồng thời, mong muốn huyện quan tâm, xây điểm lẻ trường mầm non ở khu ở mới để thuận tiện cho các cháu học hành” - Chủ tịch UBND xã Nậm Lành - Triệu Tòn Pết cho biết thêm. 

Năm 2018, do ảnh hưởng của thiên tai, huyện Văn Chấn có 606 hộ cần di dời, bố trí đất  định cư mới, trong đó, sập trôi hoàn toàn là 79 nhà, hư hỏng nặng 54 nhà, nhà di dời khẩn cấp 473 nhà. Huyện đã bố trí xen ghép 333 hộ và 273 hộ định cư tập trung. Đến ngày 17/7/2019, đã có 390 ngôi nhà được làm xong, trong đó, đã hoàn thành 79/79 nhà trôi sập, 54/54 nhà hư hỏng nặng và 257/473 nhà nằm trong vùng nguy hiểm. 

Chủ tịch UBND huyện Mai Mộng Tuân cho hay: "Qua đánh giá, xác định, hiện nay, huyện vẫn còn nhiều hộ nằm trong vùng nguy hiểm và xã nhiều thì khoảng 100 hộ, xã ít có 5 - 10 hộ. Để bố trí, ổn định lâu dài, đảm bảo nơi ở an toàn cho người dân, huyện đề nghị các xã trên cơ sở đã rà soát, mỗi xã sẽ dự kiến bố trí khoảng 2 - 3 quỹ đất để đưa dần các hộ nằm trong vùng nguy hiểm đến những nơi ở an toàn". 

"Tuy nhiên, đó chỉ là quỹ đất không, do đó, huyện đang tiếp tục chỉ đạo hỗ trợ, lồng ghép các nguồn kinh phí để tạo dựng tại quỹ đất đó một hệ thống những công trình thiết yếu cơ bản như giao thông, điện, nước; trên cơ sở đó, bố trí để bà con có thể ổn định cuộc sống ngay khi lên nơi ở mới” - Chủ tịch Tuân cho biết. 

Cuộc sống mới ở các khu tái định cư trên địa bàn huyện Văn Chấn đang khởi sắc từng ngày. Niềm phấn khởi ngời lên trong ánh mắt của những người dân nơi đây. Những nơi ấy, dù còn đó nhiều khó khăn, song người dân một lòng đoàn kết để cùng nhau vươn tới cuộc sống an toàn, ấm no và tốt đẹp hơn. 

Thanh Chi - Đức Toàn