Thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn: Nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/8/2019 | 7:56:49 AM

YênBái - Kế hoạch 23 của Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái về triển khai thí điểm thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn và xây dựng mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH được ban hành nhằm giúp đỡ xã Việt Thành hoàn thành các tiêu chí về môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Xã Việt Thành đang nỗ lực thực hiện tiêu chí môi trường để hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Xã Việt Thành đang nỗ lực thực hiện tiêu chí môi trường để hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.


Ngày 16/5/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Yên Bái ban hành Kế hoạch số 23 triển khai thí điểm thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn và xây dựng mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH tại xã Việt Thành, huyện Trấn Yên. Sở giao Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu và thực hiện.

Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Đức Dục - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh về việc thực hiện kế hoạch này.

P.V: Thưa đồng chí, đề nghị đồng chí cho biết mục đích của Kế hoạch 23!

Đồng chí Nguyễn Đức Dục: Kế hoạch 23 được ban hành nhằm giúp đỡ xã Việt Thành, huyện Trấn Yên hoàn thành các tiêu chí về môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định tại Quyết định số 691 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2683 của UBND tỉnh Yên Bái. Đồng thời, hoàn thiện mô hình phân loại CTRSH tại nguồn để nhân rộng ra toàn tỉnh, thiết thực hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa" theo chỉ đạo của Bộ TN&MT và UBND tỉnh Yên Bái. 

Thực hiện phân loại rác tại nguồn sẽ góp phần tiết kiệm được tài nguyên; mang lại lợi ích cho chính chủ nguồn thải từ việc tận dụng phế liệu tái chế, tái sử dụng và tự ủ, chế biến phân compost; giảm thiểu ô nhiễm; giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường nhằm giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý; nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường.

P.V: Thưa đồng chí, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện có những thuận lợi và khó khăn như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Đức Dục: Về thuận lợi, có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, trực tiếp của Sở TN&MT; sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của UBND huyện Trấn Yên, trực tiếp là Phòng TN&MT huyện và Đảng ủy, UBND xã Việt Thành cũng như các phòng, ban, tổ chức có liên quan. 

Ngoài ra, có sự đồng thuận, ủng hộ của đại đa số nhân dân vì mục tiêu chung là giữ gìn vệ sinh môi trường, góp phần hoàn thành mục tiêu xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo đúng lộ trình, kế hoạch của UBND tỉnh. 

Về khó khăn, qua khảo sát, địa bàn xã có nhiều khu dân cư phân bố không tập trung, quãng đường vận chuyển từ các khu dân cư ra điểm tập kết rác thải tương đối xa, từ 6 - 13 km; kiến thức, nhận thức của người dân về phân loại, về lợi ích của việc phân loại rác thải tại nguồn còn chưa đầy đủ, toàn diện; đời sống của nhân dân chưa cao nên có thể sẽ có khó khăn đối với mức thu phí từ các hộ gia đình để duy trì mô hình.

P.V: Vậy, đến nay tiến độ thực hiện ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Đức Dục: Theo kế hoạch, việc điều tra, khảo sát tình hình phát sinh, hiện trạng thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; điều kiện địa hình, phân bố dân cư, hạ tầng giao thông, các điều kiện kinh tế, xã hội có liên quan của xã Việt Thành phục vụ cho xây dựng Phương án thực hiện thí điểm phân loại CTRSH tại nguồn và thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH của xã Việt Thành (gọi tắt là Phương án) hoàn thành trước ngày 31/5/2019. 

Đối với việc xây dựng phương án, trình Sở TN&MT phê duyệt hoàn thành trước ngày 10/6/2019. Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND huyện Trấn Yên, UBND xã Việt Thành, các cơ quan chuyên môn có liên quan của huyện Trấn Yên, các tổ chức đoàn thể của xã, các bí thư chi bộ, trưởng thôn và các đơn vị dịch vụ vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn triển khai thực hiện Phương án đã được Sở TN&MT phê duyệt hoàn thành trước ngày 30/11/2019. 

Đến nay, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Trấn Yên, UBND xã Việt Thành điều tra, khảo sát tình hình phát sinh, hiện trạng thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; điều kiện địa hình, phân bố dân cư, hạ tầng giao thông và các điều kiện kinh tế, xã hội có liên quan của xã Việt Thành. Đồng thời, Chi cục đã tham mưu cho Sở TN&MT ban hành Phương án thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH tại xã Việt Thành. 

Trong đó, đã dự kiến chi tiết phương án thực hiện phân loại cũng như phương án thu gom, vận chuyển, xử lý: tuyến đường vận chuyển, các điểm đặt thùng rác công cộng, tần suất thu gom, vận chuyển, dự kiến mức thu, việc quản lý, sử dụng số phí thu được… và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện. 

P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Chất thải rắn là chất thải ở thể rắn hoặc sệt (còn gọi là bùn thải) được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác. 

Chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) - còn gọi là rác sinh hoạt - là chất thải rắn phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người. CTRSH được phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý thành các nhóm như sau: 

a) Nhóm hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); 

b) Nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh, vải sợi);

c) Nhóm còn lại cần xử lý (đầu lọc thuốc lá, bã kẹo cao su, tã giấy…); 

d) Nhóm nguy hại (ti vi, loa đài, thiết bị điện tử hỏng…).

Về tiêu chí môi trường đối với xã nông thôn mới kiểu mẫu:

a) Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý theo đúng quy định đạt từ 90% trở lên; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được phân loại, áp dụng biện pháp xử lý phù hợp đạt từ 50% trở lên;

b) Có từ 60% trở lên số tuyến đường xã, thôn, bản, ấp có rãnh thoát nước và được trồng cây bóng mát hoặc trồng hoa, cây cảnh toàn tuyến;

c) Có mô hình bảo vệ môi trường (hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ, đội, nhóm tham gia thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, vệ sinh đường làng ngõ xóm và các khu vực công cộng; câu lạc bộ, đội tuyên truyền về bảo vệ môi trường) hoạt động thường xuyên, hiệu quả, thu hút được sự tham gia của cộng đồng;

d) Có từ 90% trở lên số hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường;

đ) 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện xử lý rác thải, nước thải đạt tiêu chuẩn và đảm bảo bền vững.

 Nguyễn Thơm (thực hiện)