Cộng đồng cần chung sức

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/8/2019 | 11:10:12 AM

YênBái - Không cần nhiều tiền nhưng quan trọng nhất phải tạo được sự đồng thuận, chung sức của nhân dân – đó là quan điểm của lãnh đạo xã Việt Thành, huyện Trấn Yên về việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Nga - Phó Chủ tịch UBND xã Việt Thành (bên phải) trao đổi về việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt với người dân.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Nga - Phó Chủ tịch UBND xã Việt Thành (bên phải) trao đổi về việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt với người dân.


Để tạo được sự đồng thuận của người dân, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc và cán bộ, công chức, đảng viên phải gương mẫu đi đầu. Một trong những nội dung của tiêu chí môi trường là xử lý rác thải sinh hoạt, xã đã tiến hành thực hiện liên tục, thường xuyên từ khi xây dựng nông thôn mới. 

Đến nay, 100% số hộ đều có hố rác gia đình, trong đó 187 hộ sống dọc trục đường Yên Bái - Khe Sang sử dụng chung 3 hố rác công cộng. Với 3 hố rác công cộng này, địa phương hợp đồng với một doanh nghiệp thu gom, vận chuyển và xử lí. Tại 639 hộ gia đình, có sự hướng dẫn của Trạm Y tế xã, người dân thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt và tự xử lý một cách đơn giản, cơ bản nhất. 

Chị Nguyễn Thị Thanh Hải ở thôn Trúc Đình cho biết: "Trước thì cả thôn nhà nào cũng đốt rác tùm lum hết cả. Từ khi xây dựng xã nông thôn mới, gia đình tôi cũng như các hộ khác được cán bộ y tế xã, thôn hướng dẫn phân loại và xử lí rác thải. Trong các cuộc họp thôn, việc giữ gìn vệ sinh môi trường luôn được quan tâm nhắc nhở”. 

Hàng ngày, chị Hải đều đốt rác cho sạch sẽ. Còn các loại chai, lọ, bìa giấy, vỏ bao thức ăn cho cá, cho lợn… chị gom lại bán cho hàng thu mua phế liệu. Thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, tiêu chí môi trường mà cụ thể là việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lí rác thải sinh hoạt đòi hỏi yêu cầu cao hơn. Dù hệ thống đường giao thông tương đối thuận tiện cho việc thu gom, vận chuyển rác nhưng xã có hai thôn Đồng Phú, Đồng Phúc cách xa trung tâm tới 7 km. 

Địa phương tính toán sẽ đề xuất giải pháp là vận động các hộ dân ở khu vực này tiếp tục tự xử lý rác thải như hiện nay tại gia đình. Với các hộ ở 6 thôn còn lại, xã sẽ thực hiện theo phương án thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và xây dựng mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong thời gian tới. 

Hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải theo mô hình này cần phải thu phí chi trả hàng tháng của các hộ nên cũng là một khó khăn. Về vấn đề này, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức, hành động của nhân dân, nhất là duy trì, phát huy và đề cao vai trò, trách nhiệm của tổ tuyên truyền bảo vệ môi trường tại các thôn đã hoạt động hiệu quả lâu nay. 

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Nga - Phó Chủ tịch UBND xã Việt Thành khẳng định: "Nếu không có được ý thức tự giác tham gia của mỗi người dân, của cộng đồng thì cũng không thể giữ gìn và đảm bảo vệ sinh môi trường. Bởi thế, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân để hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu”.

Thơm Nguyễn