Mù Cang Chải mất mùa sơn tra

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/8/2019 | 8:17:38 AM

YênBái - Bản Nậm Khắt là một trong những khu vực có diện tích cây sơn tra lớn của xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải. Tranh thủ trời tạnh ráo, anh Giàng A Dì đã lên đồi thu hái quả sơn tra từ sáng sớm, nhưng lúc về cũng chỉ được trên 30 kg.

Người dân xã Nậm Khắt thu hái sơn tra đầu vụ.
Người dân xã Nậm Khắt thu hái sơn tra đầu vụ.

 Anh cho biết: "Nhà mình có trên 1 ha cây sơn tra. Năm ngoái, thu hái được 1,5 tấn, nhưng năm nay chắc chỉ được 5 - 6 tạ quả thôi. Nhà nào cũng mất mùa như thế, nhiều cây còn chẳng có quả nào”. Chúng tôi theo anh Dì lên đỉnh đồi. Đúng thật, số cây có quả chiếm tỷ lệ rất ít, đã vậy quả còn nhỏ, những đồi bên cạnh cũng tương tự. 

Anh Lý A Sử - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt, cho biết: "Xã có gần 1.000 ha cây sơn tra, trong đó có 200 ha sơn tra tự nhiên, còn lại là nhân dân trồng. Năm ngoái, toàn xã thu khoảng 650 tấn quả tươi. Năm nay, sơn tra mất mùa, dự tính sản lượng giảm đi một nửa”. 

Ghi nhận tại Mù Cang Chải, không riêng gì Nậm Khắt, các đồi sơn tra ở Nậm Có, La Pán Tẩn, Lao Chải, Chế Tạo… cũng rơi vào cảnh mất mùa tương tự. 

Anh Giàng A Hù - Phó Bí thư Thường trực xã Lao Chải cho biết: "Toàn xã có trên 600 ha cây sơn tra, nhưng đa phần cho quả rất ít, dự ước chỉ được gần 300 tấn. Mất mùa nhưng bù lại sơn tra năm nay lại được giá, bình quân từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, thậm chí quả to còn được 17.000 đồng/kg”. 

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải, tổng diện tích cây sơn tra toàn huyện khoảng 4.500 ha, bình quân cho sản lượng 4.500 đến 5.000 tấn quả tươi. Năm nay, dự ước sản lượng chỉ còn từ 20 - 25% so với năm 2018. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Trọng Khang - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Sơn tra mất mùa do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do tác động của biến đổi khí hậu, khô hanh kéo dài đúng vào thời kỳ phát triển của cây nên ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do tập quán canh tác của người dân chủ yếu mang yếu tố tự nhiên, không quan tâm đầu tư, chăm sóc, bón phân cho cây sau kỳ thu hoạch”. 

Một số người dân lại nói rằng, nhiều năm nay, sơn tra thường rơi vào cảnh năm được, năm mất, nguyên nhân có thể do thời tiết và chu kỳ sinh trưởng của cây theo kiểu "năm trước được mùa, thì năm sau mất mùa”. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, với những diện tích sơn tra tự trồng, sau mỗi vụ thu hoạch thì người dân mới dừng lại ở việc làm cỏ chứ chưa có sự đầu tư, chăm sóc, tái bổ sung dinh dưỡng cho cây. Đó là chưa kể những diện tích sơn tra tự nhiên hàng năm người dân chỉ lên thu hái chứ không có sự chăm sóc, đầu tư nào. 

Sơn tra là cây trồng mang lại hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho người dân Mù Cang Chải. Để phát triển hiệu quả của loại cây này, tỉnh và huyện đã và đang triển khai nhiều giải pháp như quy hoạch vùng phát triển; kêu gọi đầu tư, chế biến sâu; đăng ký nhãn hiệu "Sơn tra Mù Cang Chải”… Tuy nhiên, với tình trạng như hiện nay, rõ ràng nguồn lợi này chưa được khai thác hiệu quả và bền vững. 

 Hùng Cường