Mở hướng phát triển công nghiệp điện ảnh

  • Cập nhật: Chủ nhật, 25/8/2019 | 9:07:31 AM

Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đăng tải, lấy ý kiến rộng rãi. Tuy nhiên, để luật sửa đổi khắc phục những bất cập của luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong phát triển điện ảnh, mở hướng xây dựng công nghiệp điện ảnh tiên tiến, thì còn nhiều điều phải bàn.

Khi Luật Điện ảnh được sửa đổi, hy vọng điện ảnh Việt sẽ có nhiều bộ phim chất lượng, thu hút nhiều khán giả.
Khi Luật Điện ảnh được sửa đổi, hy vọng điện ảnh Việt sẽ có nhiều bộ phim chất lượng, thu hút nhiều khán giả.

Để phù hợp với thực tiễn

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, trong các loại hình nghệ thuật, duy nhất điện ảnh là có luật riêng điều chỉnh hoạt động. Điều đó thể hiện đây là ngành có ý nghĩa chiến lược trong phát triển nghệ thuật nói riêng và công nghiệp văn hóa đất nước nói chung.

Qua 12 năm thi hành Luật Điện ảnh (có hiệu lực từ ngày 1-1-2007) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh (có hiệu lực từ ngày 1-10-2009), bộ môn nghệ thuật thứ bảy của Việt Nam đã có bước tiến đáng kể, thu hút được nhiều thành phần tham gia hoạt động, đưa điện ảnh đến với công chúng vùng sâu, vùng xa, hải đảo, miền núi… và hòa vào dòng chảy điện ảnh quốc tế.

Tuy nhiên, trước sự vận động của đời sống xã hội và sự bùng nổ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin, Luật Điện ảnh hiện hành bộc lộ nhiều hạn chế, đòi hỏi phải được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Theo Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh chưa quy định được chính sách để bảo vệ điện ảnh dân tộc. Cụ thể, chưa quy định tỷ lệ chiếu phim Việt Nam ở các phòng chiếu và khung giờ chiếu; tỷ lệ phòng chiếu phim của doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Do vậy, mỗi năm chỉ có khoảng 40 phim của Việt Nam chiếu ở rạp, trong khi phim nhập khẩu lên tới hơn 200 phim. Trong số hơn 900 phòng chiếu phim, các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài chiếm hơn 60%, công ty tư nhân chiếm gần 30% và đơn vị nhà nước quản lý 10%. Tình trạng phim Việt sản xuất không có phòng chiếu, không được chiếu vào các giờ "vàng”, bị o ép tỷ lệ chia doanh thu kéo dài nhiều năm nay.

Một điều đáng lưu ý, vấn đề khai thác, phổ biến, xem phim trên môi trường internet lại chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Điện ảnh. Bên cạnh đó, các chính sách quản lý đang hạn chế việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh. 

Nhiều dự án sản xuất phim có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam phải chuyển bối cảnh do chưa có quy định thống nhất, giấy phép chồng chéo. Điều này rất đáng tiếc, vì xu thế hợp tác làm phim đa quốc gia ngày càng phát triển, mang lại nhiều lợi ích không chỉ riêng về điện ảnh, mà còn về việc quảng bá du lịch, hình ảnh quốc gia…

Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Thu Hà, Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang dần hoàn thiện, gồm 8 chương, 48 điều. Các điều khoản được xây dựng dựa theo những chính sách, nhằm phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam mà Đảng và Nhà nước đã định hướng.

Đưa điện ảnh Việt Nam phát triển, hội nhập

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) có nhiều điểm mới, có khả năng tác động mạnh mẽ đến điện ảnh Việt Nam. Cụ thể, việc bãi bỏ các nội dung liên quan đến cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, sản xuất phim; bãi bỏ quy định doanh nghiệp nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim; đồng thời, quy định mở rộng đơn vị sự nghiệp có chức năng hoạt động điện ảnh được nhập khẩu và phát hành sẽ khuyến khích, thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động điện ảnh.

Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD), Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần bổ sung các quy định cụ thể về tỷ lệ phân chia doanh thu bán vé bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, giữa phim Việt Nam và phim nước ngoài. Điều này sẽ bảo đảm một thị trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp hoạt động điện ảnh, bảo đảm lợi nhuận để các nhà sản xuất phim Việt tái đầu tư.

Tuy đã quy định chính sách ưu đãi cho các đoàn làm phim nước ngoài vào Việt Nam sản xuất phim, song dự thảo cũng cần có thêm quy định ưu tiên, ưu đãi về phương tiện, thiết bị, bối cảnh cho các nhà làm phim Việt Nam…

Cùng với đó, dự thảo đã mở rộng nhóm đề tài và thay đổi phương thức Nhà nước đặt hàng sản xuất phim. Bên cạnh các đề tài về dân tộc miền núi, thiếu nhi, Nhà nước còn đặt hàng sản xuất phim về đề tài lãnh tụ, chiến tranh cách mạng, gìn giữ văn hóa truyền thống. Từ đây, hy vọng sẽ có thêm nhiều phim thành công như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được sản xuất và đến với công chúng.

Những quy định về thẩm quyền quản lý của cơ quan quản lý các cấp đối với phim phát hành trên internet, phim phát hành trên vệ tinh và các biện pháp kỹ thuật để kiểm soát nội dung phim phát hành trên nền tảng số đã có, nhưng chưa chi tiết.

Ông Nguyễn Thành Chung, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, việc phát triển phim trên môi trường kỹ thuật số sẽ mở rộng đối tượng khán giả, thúc đẩy các đơn vị sản xuất phim, nhưng gây áp lực cho việc quản lý. Luật sửa đổi phải quy định chi tiết biện pháp quản lý nội dung, bảo vệ quyền tác giả, kiểm soát độ tuổi xem phim…

Theo Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Thu Hà, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) và các nội dung trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) còn sơ sài, cần nhiều ý kiến nghiên cứu, đóng góp thêm để có được một hành lang pháp lý, đưa điện ảnh Việt Nam phát triển, hội nhập.
(Theo HNMO)