Văn Chấn chủ động và thực hiện tốt “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/9/2019 | 7:56:09 AM

YênBái - Để chủ động phòng chống thiên tai (PCTT) có thể xảy ra, ngay từ đầu mùa mưa lũ, Ban Chỉ huy PCTT - Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể để ứng phó khi có thiên tai xảy ra.

Huyện Văn Chấn huy động lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” để khắc phục hậu quả thiên tai trong năm 2018.
Huyện Văn Chấn huy động lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” để khắc phục hậu quả thiên tai trong năm 2018.

Huyện Văn Chấn có địa hình chia cắt mạnh, độ dốc cao, nhiều khe suối sâu. Do vậy, vào mùa mưa nhiều điểm có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, lốc xoáy và sạt lở đất. Năm 2018, huyện Văn Chấn là một trong những địa phương gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra. Đặc biệt là các xã vùng cao như: Sơn Lương, Sùng Đô, Nậm Mười, An Lương, Suối Quyền... mưa lũ đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, giao thông đi lại bị chia cắt, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.  


Theo Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện Văn Chấn, năm 2018, thiên tai đã làm 11 người chết, 16 người bị thương; 531 ngôi nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại; trên 1.450 ha lúa, ngô, hoa màu, cây lâm nghiệp, thủy sản bị ảnh hưởng và thiệt hại; gần 14.000 con gia súc, gia cầm bị chết; lũ cuốn trôi, nhiều tuyến đường, công trình thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng... ước tổng giá trị thiệt hại về vật chất khoảng trên 410 tỷ đồng. 

Ngay sau lũ đi qua, huyện Văn Chấn đã huy động tối đa mọi nguồn lực để tập trung khẩn trương khắc phục hậu quả, phục hồi sau thiên tai. Trong đó, huyện đã bố trí chỗ ở cho các hộ dân bị sập, trôi nhà cửa và di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm là 606 nhà; trong đó, đối với 79 nhà bị sập, trôi hoàn toàn; 54 nhà bị hư hỏng nặng đến nay các hộ dân đã được bố trí tái định cư, có nơi ở mới đảm bảo an toàn; triển khai thực hiện đảm bảo đầy đủ, đúng đối tượng về các chế độ, chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để nhân dân khôi phục phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Để chủ động trong công tác PCTT, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện đã kiện toàn lại ban chỉ huy PCTT - TKCN các cấp; tổ chức duy trì chế độ thường trực phòng chống thiên tai 24/24 h; triển khai phương án PCTT - TKCN, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và thực hiện phương châm "4 tại chỗ”. 

Nói về những bài học kinh nghiệm và giải pháp trong PCTT - TKCN, đồng chí Mai Mộng Tuân - Chủ tịch UBND huyện cho biết: ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn rà soát, xây dựng điều chỉnh, bổ sung phương án PCTT - TKCN sao cho phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị mình; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT, đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất.

Làm tốt công tác dự báo, cảnh báo và theo dõi về tình hình thời tiết, khí tượng - thủy văn để nhân dân chủ động có biện pháp phòng chống, sơ tán kịp thời; theo dõi lượng mưa trên địa bàn để báo cáo, tổng hợp, đề phòng tình hình lũ ở các khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt phòng lũ quét, lũ ống và sạt lở ta-luy; tổ chức hiệp đồng lực lượng với các đơn vị trên địa bàn. 

Trước trong và sau thời gian mưa bão, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ” gồm: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện và vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân nhằm khắc phục, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.

Theo dự báo, thời tiết năm 2019 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bất thường và không tuân theo quy luật tự nhiên, đặc biệt là mưa lũ. Do vậy, thời gian tới, huyện Văn Chấn cần tập trung chỉ đạo quyết liệt các địa phương chủ động mọi phương án ứng phó với thiên tai để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người, tài sản khi có thiên tai xảy ra.

Đức Toàn