NHCSXH huyện Văn Chấn: Đưa tín dụng chính sách về cơ sở

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/9/2019 | 1:30:50 PM

YênBái - NHCSXH huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo rà soát các mặt hoạt động, phân tích đánh giá những tồn tại, xem xét kiện toàn lại ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động yếu kém không hiệu quả.

Hội viên phụ nữ huyện Văn Chấn vay vốn chính sách để trồng cây ăn quả đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hội viên phụ nữ huyện Văn Chấn vay vốn chính sách để trồng cây ăn quả đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Hà Hữu Thế - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện Văn Chấn cho biết: quán triệt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, những năm qua, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong huyện đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước; trong đó, có chính sách tín dụng, nhằm từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.

Trên tinh thần đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong huyện đã quan tâm hơn đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp tốt với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo, các đối tượng chính sách; thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động tại xã, tổ tiết kiệm và vay vốn; tập trung hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn đúng quy định; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn; tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả. 

Công tác phối hợp giữa NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, chất lượng ủy thác ngày càng được nâng cao. Đến nay, NHCSXH huyện đang tổ chức thực hiện giao dịch ở cả 31 điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND xã, thị trấn; phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại các thôn, bản, tổ dân phố, góp phần công khai được các chính sách tín dụng của Nhà nước, danh sách hộ vay vốn và các quy trình, thủ tục của NHCSXH. 

Người vay giao dịch trực tiếp với NHCSXH vào ngày giao dịch cố định hàng tháng tại điểm giao dịch xã để vay vốn, trả nợ, gửi tiền tiết kiệm trước sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị - xã hội, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn cùng chính quyền địa phương. Qua đó, đã tạo được lòng tin của nhân dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của NHCSXH. Chính quyền cơ sở cũng có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhân dân...

Việc nâng cao hoạt động ủy thác từ NHCSXH cũng đã tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội tập hợp được hội viên, củng cố, nâng cao cả về số lượng, chất lượng các phong trào hoạt động hội, tăng số lượng hội viên, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giúp người nghèo có điều kiện được sinh hoạt tại các tổ chức chính  trị - xã hội. 

Qua đó, được tiếp cận với nhiều hoạt động lồng ghép như: khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng, chăm sóc vật nuôi, cây trồng... Hiện nay, có 109 tổ chức chính trị - xã hội cấp xã đang phối hợp với NHCSXH tham gia quản lý 16.015 hộ vay vốn, với tổng số tiền là 569.935 triệu đồng, tăng 291.121 triệu đồng so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 100% trên tổng dư nợ.

Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội cũng không ngừng được củng cố, nâng cao. NHCSXH huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo rà soát các mặt hoạt động, phân tích đánh giá những tồn tại, xem xét kiện toàn lại ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động yếu kém không hiệu quả; nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, chất lượng giao dịch xã; tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn.

Hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã; tình hình sử dụng vốn của hộ vay; chỉ đạo tổ chức hội nhận ủy thác cấp xã thực hiện việc kiểm tra sử dụng vốn sau khi cho vay; tập trung đầu tư vào các mô hình sản xuất, kinh doanh thế mạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao như cây quế, cam, chè... để nhân rộng mô hình giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; chủ động rà soát, phân tích, đôn đốc thu hồi nợ quá hạn; xử lý nợ bị rủi ro kịp thời. Từ đó, chất lượng tín dụng chính tại các xã, thị trấn đã có nhiều chuyển biến tích cực so với trước đây, đến 30/6/2019, nợ quá hạn là 321 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,05%/ tổng dư nợ, giảm 86 triệu đồng so với năm 2014; có 22/31 xã, thị trấn không có nợ quá hạn.

Tấn Đạt