“Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam và trên thế giới”

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/9/2019 | 8:52:11 AM

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng quốc tế vĩ đại, một nhà hoạt động văn hoá mang tầm quốc tế.

Một số cuốn sách do Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN-Viện Viễn Đông-Viện Hàn lâm Khoa học Nga xuất bản.
Một số cuốn sách do Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN-Viện Viễn Đông-Viện Hàn lâm Khoa học Nga xuất bản.

Tưởng niệm 50 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 9/9, tại thủ đô Moscow, Học viện các nước Á – Phi- Đại học Tổng hợp quốc gia Moscow (MGU), Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, phối hợp với Khoa Khoa học chính trị- trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn của Việt Nam, tổ chức "Hội thảo khoa học quốc tế về Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam và trên thế giới”.

Hội thảo đã thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu, các giáo sư tiến sĩ, các học giả người Nga đến từ khắp LB Nga, từ cố đô phương Bắc- thành phố Saint Petersburg, cho đến tận vùng Viễn Đông xa xôi- thành phố Vladivostok. Hội thảo cũng thu hút các em sinh viên Nga học tiếng Việt và những người yêu quý Việt Nam, ngưỡng mộ nhân cách, tư tưởng và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tham gia hội thảo, về phía Việt Nam có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, Tham tán Nguyễn Quỳnh Mai và đại diện một số phòng ban Đại sứ quán, các học giả, các nhà nghiên cứu đến từ Việt Nam do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Thành, Phó Khoa Khoa học chính trị- Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, dẫn đầu.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Quốc Thành đánh giá cao sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ Năm chéo hữu nghị Việt – Nga, coi đây là một biểu hiện ngời sáng của tình hữu nghị, mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và LB Nga.

Trong một ngày làm việc, ngoài phiên toàn thể, hội thảo chia thành 3 phiên thảo luận chính với các chủ đề: Tư tưởng Hồ Chí Minh và cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam; Hồ Chí Minh như một nhà cộng sản quốc tế; Sự hình thành văn hoá, đạo đức và con người mới.

Hàng chục tham luận được trình bày tại hội thảo khoa học quốc tế là những công trình nghiên cứu sâu sắc nhất về sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh; về vai trò của Người đối với thắng lợi của Việt Nam trong Cách mạng tháng Tám; ảnh hưởng của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam; vai trò của Người trong việc sáng lập và xây dựng nhà nước theo mô hình chính trị mới; trong việc sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam…

Không chỉ dừng lại ở cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, các tham luận tại hội thảo khoa học còn đi sâu phân tích sự nghiệp và những tư tưởng của Người mang tầm quốc tế. Tham luận của Tiến sĩ E. Kobelev, thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga, đi sâu phân tích và đánh giá Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng quốc tế vĩ đại, một nhà hoạt động văn hoá mang tầm quốc tế.

Tư tưởng của Người là hình mẫu cho chủ nghĩa quốc tế cách mạng. Trong giai đoạn làm việc tại Quốc tế cộng sản (1923-1938), Hồ Chí Minh là một nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà sư phạm. Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Người vẫn đang tiếp tục rọi sáng mọi chính sách đối nội và đối ngoại hiện nay của Việt Nam…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Thành đánh giá cao ý nghĩa thực tiễn của các tham luận được trình bày tại hội thảo và cho biết mọi nghiên cứu khoa học về sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ được tổng hợp và in thành cuốn sách chuyên khảo chung, xuất bản bằng Tiếng Anh với tiêu đề "Ho Chi Minh in Vietnamese and global retrospestives” (tạm dịch: Hồ Chí Minh trong hồi ức của người Việt Nam và thế giới).

Cuốn sách này ngoài giá trị nghiên cứu, sẽ là tài liệu giúp bạn bè quốc tế hiểu thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, những tư tưởng của Người, cũng như giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước Việt Nam, đường lối đối ngoại của Việt Nam, luôn được xây dựng dựa trên tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

GS-TSKH Kinh tế Vladimir Mazyrin, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông-Viện Hàn lâm Khoa học Nga cũng đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo: "Đây là sự kiện rất quan trọng kỷ niệm 50 năm ngày mất của chủ tịch Hồ Chí Minh. Các bạn có thể thấy qua các tư liệu được trình bày, ở Nga, cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh luôn là đề tài nghiên cứu của nhiều nhà khoa học.

Chúng tôi đánh giá cao những đóng góp của chủ tịch Hồ Chí Minh trong phát triển tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Hôm nay chúng tôi thảo luận cụ thể về những công trình của Người, về chủ nghĩa quốc tế cộng sản đã tạo nền tảng cho mối hợp tác này”.

TS Mazyrin cũng bày tỏ vui mừng trước việc có thể phát triển hợp tác giữa trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, khoa Khoa học Chính trị với trường Đại học các nước Á-Phi. Đây là dự án chung đầu tiên của hai bên và nó phù hợp với chủ đề của năm chéo-tích cực trao đổi về khoa học và văn hóa giữa hai nước. Khoa Khoa học chính trị của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có sáng kiến và làm rất nhiểu việc để hội thảo này được tổ chức. Sự kiện thực tế như thế này còn ít ở trường ĐH các nước Á-Phi.

Trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra buổi trưng bày các cuốn sách về Việt Nam do Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện Viễn Đông- Viện Hàn lâm khoa học Nga xuất bản.

(Theo VOV)