Công tác đào tạo nghề ở Yên Bái: Dấu ấn từ chỉ đạo quyết liệt

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/9/2019 | 8:49:19 AM

YênBái - Với quyết tâm hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh, trong đó có chỉ tiêu đào tạo nghề và giải quyết việc làm, Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy đề ra mục tiêu đào tạo nghề cho 30.000 lao động và giải quyết việc làm cho 20.000 lao động.

Các ngành nghề được đào tạo đã gắn với thực tế sản xuất ở địa phương. Ảnh MQ
Các ngành nghề được đào tạo đã gắn với thực tế sản xuất ở địa phương. Ảnh MQ

Dù chỉ tiêu cao, song từ đồng bộ các giải pháp và quyết liệt trong thực hiện, lĩnh vực đào tạo nghề và giải quyết việc làm trong 8 tháng năm 2019 đã thu được những kết quả tích cực để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch cả năm.

Đến ngày 15/8, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo cho 21.295/30.000 người (đạt 70,98% so với kế hoạch), trong đó, trình độ cao đẳng 1.235 người, trung cấp 2.188 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 17.872 người, có 2.643 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề theo chính sách của Đề án 1956. 

Cùng với đó, đã chuyển dịch được 4.242/5.300 lao động (đạt 80,03% so với kế hoạch) từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Hỗ trợ giải quyết việc làm cho 16.617 lao động, đạt 81,05% kế hoạch năm, trong đó từ: phát triển kinh tế xã hội 9.340 người, từ xuất khẩu lao động 759 người, từ vay vốn giải quyết việc làm 1.485 người, từ cung ứng đi tỉnh ngoài 5.033 người. 

Có được kết quả trên, cùng với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, là sự vào cuộc của các ngành chức năng và các địa phương. Trong đó, với nhiệm vụ chức năng được giao, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tích cực tham mưu trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, văn bản về công tác lao động, đồng thời phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện. 

Trong tạo việc làm, ngành đã tổ chức Ngày hội Việc làm, tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2019; cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động (NLĐ) nhất là lao động ngoài nước; tiếp nhận và giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp đúng, kịp thời theo quy định... 

Qua 8 tháng, đã giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 1.723 người, với tổng số tiền 19,548 tỷ đồng; tư vấn giới thiệu việc làm cho 1.894 lao động; hỗ trợ học nghề cho 38 lao động với số tiền 126 triệu đồng. 

Đối với các địa phương, cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư, đã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp tăng cường định hướng cho NLĐ học nghề, tìm việc làm, tự tạo việc làm phù hợp; gắn tạo việc làm với xây dựng nông thôn mới cũng như chuyển dịch cơ cấu lao động để NLĐ có việc làm bền vững, thu nhập ổn định. 

Các địa phương đã tiếp tục củng cố và phát triển hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó chú trọng một số thị trường trọng điểm như Đài Loan, Nhật Bản, Trung Đông; phối hợp tốt với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trong giải ngân nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, tập trung vào hiệu quả của việc tạo việc làm mới thông qua nguồn vốn ưu đãi. 

Trong đào tạo nghề, ngành LĐ-TB&XH và các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng nghề nghiệp; tư vấn, kết nối cung cầu lao động; công khai các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; gắn đào tạo với nhu cầu, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp... 

Nhờ đó, nhiều lao động sau khi học nghề đã được giới thiệu và đi làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh, một số lao động đã tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài.

Kết quả giải quyết việc làm và đào tạo nghề 8 tháng qua là khá ấn tượng, để hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm năm 2019 theo Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy, những tháng cuối năm, ngành LĐ-TB&XH và các địa phương cần tiếp tục tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách về lao động, việc làm và các văn bản hướng dẫn thi hành; đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các địa phương, các doanh nghiệp hỗ trợ tư vấn, kết nối cung cầu lao động. 

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm, tập trung vào hiệu quả của việc tạo việc làm mới thông qua nguồn vốn cho vay. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy lao động trong nước và quan tâm xuất khẩu lao động ngoài nước… 

Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo qua tập huấn nghiệp vụ quản lý giáo dục nghề nghiệp cho cán bộ phòng LĐ-TB&XH và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, kiến thức, kỹ năng cho giáo viên, người dạy nghề, nghiệp vụ quản lý, tư vấn, giám sát cho cán bộ

Đồng thời tổ chức Hội thi tay nghề học sinh, sinh viên cấp tỉnh; tham gia Hội thi thiết bị đào tạo nghề tự làm cấp quốc gia; tiếp tục làm tốt việc hướng dẫn, phối hợp với doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề cho NLĐ theo nhu cầu, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp…

Đình Tứ