Yên Bình: Chuyển biến ở vùng đặc biệt khó khăn

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/9/2019 | 8:31:51 AM

YênBái - Sau thực hiện Đề án sáp nhập tổ dân phố, hiện nay, huyện Yên Bình có 177 thôn, tổ dân phố; có 10 xã đặc biệt khó khăn, 9 xã có thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thuộc diện đầu tư của Chương trình 135.

Nhân dân xã Văn Lãng (Yên Bình) bê tông hóa đường giao thông nông thôn.
Nhân dân xã Văn Lãng (Yên Bình) bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

Với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 40%, nguồn kinh phí hỗ trợ hàng năm thực hiện các đề án, chính sách hỗ trợ đối với các xã, thôn bản ĐBKK được huyện quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả đến từng vùng, đối tượng thụ hưởng, đã góp phần đưa kinh tế - xã hội vùng cao, vùng ĐBKK huyện Yên Bình có bước phát triển, kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng kiên cố.

Bà Hồ Thị Thu - Trưởng phòng Dân tộc huyện khẳng định: Những năm qua, các chương trình, dự án chính sách trên địa bàn được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện chỉ đạo các ngành, đơn vị chuyên môn, chính quyền cơ sở tập trung thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả. 

Về nhận thức, cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở đã xác định rõ công tác dân tộc và nhiệm vụ triển khai thực hiện các chính sách dân tộc có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế, đời sống xã hội ở địa phương, tạo cơ hội và điều kiện để đồng bào DTTS, nhất là hộ nghèo vùng sâu, vùng xa ĐBKK ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất. 

Đặc biệt, với nguồn lực đầu tư lớn của Nhà nước, kết cấu hạ tầng vùng ĐBKK của huyện đang từng ngày hoàn thiện hơn. Chỉ riêng giai đoạn 2016 - 2019, huyện đã triển khai xây mới, cải tạo, nâng cấp hơn 200 công trình, bê tông hóa 137 km đường liên thôn, nội thôn..., tổng kinh phí trên 137 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa 23 công trình thủy lợi; kiên cố hóa gần 30 km kênh mương; cải tạo, nâng cấp 64 công trình lớp học, 30 công trình nhà văn hóa thôn; nâng cấp, cải tạo chợ tại 8 xã vùng cao, vùng ĐBKK; xây dựng, cải tạo 675 nhà ở dân cư. 

Nguồn vốn Chương trình 135 từ năm 2014 đến nay, huyện được đầu tư 18.224,96 triệu đồng và thực hiện hỗ trợ trên 18.224 triệu đồng cho 3.025 hộ, 39 nhóm hộ. Trong đó, tập trung hỗ trợ giống cây trồng, mua lợn nái, trâu, bò cái sinh sản, hỗ trợ làm chuồng chăn nuôi, hỗ trợ máy móc, thiết bị và xây dựng mới 74 công trình; sửa chữa, nâng cấp 44 công trình dân sinh, gồm các công trình nước, trường học, chợ, trạm y tế, công trình giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, tổng kinh phí đầu tư 3.774 triệu đồng. 

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định 54 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ phát triển sản xuất, đã có 352 hộ được phê duyệt vay vốn mua trâu, bò và trồng rừng với tổng kinh phí 1.616 triệu đồng. 26.749 hộ nghèo được phê duyệt nguồn kinh phí trên 9.424 triệu đồng hỗ trợ mua giống, phân bón vật tư phát triển sản xuất theo Quyết định 102/2009 của Thủ tướng Chính phủ; 1.234 hộ được hỗ trợ nông cụ, máy móc, nước sinh hoạt, tổng kinh phí 2.544 triệu đồng theo Quyết định 755/QĐ-TTg và Quyết định 2085/QĐ-TTg. 

Đặc biệt, giai đoạn 2016 - 2019, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, 1.203 hộ gia đình được hưởng lợi từ nguồn kinh phí phát triển sản xuất 3.109 triệu đồng... 

Hình thức lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, nhất là các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo động lực để các hộ DTTS nghèo vươn lên thoát nghèo. Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện tính theo tiêu chí thu nhập là 18,84%; đến năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo tính theo tiêu chí mới nghèo đa chiều là 13,4%. 

Trên địa bàn huyện đã xây dựng được 125 mô hình sản xuất giỏi, tập trung chủ yếu ở các xã: Xuân Long, Ngọc Chấn, Cảm Nhân, Tích Cốc, Xuân Lai, Yên Thành, Phúc An, Tân Nguyên, Bảo Ái... Chất lượng cuộc sống của người dân vùng ĐBKK từng bước được cải thiện và nâng cao. Các chế độ, chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng thụ hưởng được đảm bảo. 

Bà Hồ Thị Thu cho biết: "Việc kích cầu từ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn vốn lồng ghép trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các địa phương, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ phát triển giao thông nông thôn đang tạo ra hiệu ứng xã hội tốt từ cộng đồng, khơi dậy nguồn nội lực trong nhân dân”. 

Năm nay, huyện Yên Bình có cách làm mới, đó là huy động sự ủng hộ của các doanh nghiệp theo phương thức hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn. Mục tiêu phấn đấu từ nay đến cuối năm hoàn thành bê tông hóa 50 km đường giao thông nông thôn. Huyện tiếp tục huy động mọi nguồn lực, phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tiến tới dân làm là chính, Nhà nước hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại.  

Phạm Minh