Ông Phử ở Sài Lương

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/9/2019 | 9:30:57 AM

YênBái - "Nếu thôn, bản nào cũng có người như ông Phử thì chả mấy chốc mà An Lương thoát nghèo!”. Đố là nhận xét của Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Cội khi nói về ônng Giàng A Phử, Bí thư Chi bộ, người có uy tín trong cộng đồng ở thôn Sài Lương 3, xã An Lương

Ông Giàng A Phử (thứ hai từ trái sang) trao đổi với nhân dân về kinh nghiệm thu hoạch quế.
Ông Giàng A Phử (thứ hai từ trái sang) trao đổi với nhân dân về kinh nghiệm thu hoạch quế.

Dấu tích cơn lũ quét kinh hoàng trung tuần tháng 7/2018 vẫn còn trên đường dẫn vào trung tâm xã An Lương, huyện Văn Chấn. Gặp Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Cội, anh thông tin nhanh cho chúng tôi về tình hình phát triển kinh tế của địa phương cũng như công tác khắc phục hậu quả trận lũ quét kinh hoàng năm 2018. 

Anh nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của những cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã cùng với cấp ủy, chính quyền vận động nhân dân khắc phục hậu quả lũ quét để giao thông thông suốt. Một trong những điển hình tiêu biểu ấy là ông Giàng A Phử, Bí thư Chi bộ, người có uy tín trong cộng đồng ở thôn Sài Lương 3.

Từ trụ sở UBND xã đến nhà ông Phử khoảng 10 km nhưng chúng tôi phải hơn nửa giờ đồng hồ mới đến được. Ông Phử đi huyện tập huấn công tác bí thư chi bộ. Hơn một giờ sau, ông về. Trên xe máy, lỉnh kỉnh lương thực; gà, vịt giống; thuốc thú y. Như biết khách chờ lâu, ông nói như phân trần: "Sáng nay, nhận giấy mời tập huấn của huyện. Tôi tập huấn xong, tiện thể mua thêm ít gà, vịt giống về nuôi”. 

Gần 60 tuổi, nhưng ông rắn rỏi, nhanh nhẹn, miệng nói tay làm. Cho gà, vịt giống vào chuồng rồi ông tiếp chuyện chúng tôi. 

Qua câu chuyện được biết, trước kia Sài Lương 3 chủ yếu là đồng bào Mông từ Suối Giàng sang sinh sống. Tập quán canh tác lạc hậu nên sau mỗi mùa thu hoạch là bà con lại đi tìm đất khác để canh tác, vì thế đói ăn, thiếu mặc quanh năm. Với trọng trách là Bí thư Chi bộ, là người có uy tín trong cộng đồng, ông Phử đã vận động dân bản định canh, định cư, tích cực trồng rừng, trồng quế, trồng thảo quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, khai phá ruộng nước. 

Để dân bản tin tưởng và làm theo, ông đã cùng gia đình khai phá ruộng nước, trồng rừng, phát triển chăn nuôi. Ông chia sẻ: ‘Muốn dân bản nghe, trước tiên, mình phải làm được, có hiệu quả. Bởi vậy, nhiều năm qua, gia đình tôi tự khai phá những diện tích đất trống để trồng keo, trồng quế, rồi tìm nguồn nước để khai phá đất canh tác ruộng”. 

Bằng cách nghĩ, cách làm đó, gia đình ông nay đã có 40 ha quế từ 2 - 30 năm tuổi. Năm 2016, bán lứa quế đầu tiên thu về trên 1 tỷ đồng. Từ đó đến nay, ông chặt tỉa cũng thu về trên 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, diện tích lúa và ngô cũng cho thu trên 2 tấn lúa, gần 3 tấn ngô/vụ. 

Có điều kiện kinh tế ông đã giúp vốn, con giống cho các hộ dân và các đảng viên trong thôn vươn lên thoát nghèo. Học và làm theo ông, nhiều hộ dân trong thôn đã trồng quế, phát triển các mô hình chăn nuôi. Nhờ đó, diện tích cây quế trên địa bàn thôn Sài Lương 3 hiện đã đạt trên 60 ha, ruộng canh tác lúa nước cũng hơn 10 ha. Nhiều hộ đã có điều kiện làm nhà mới, mua sắm tiện nghi gia đình, phương tiện sản xuất như máy tuốt lúa, máy xay xát, xe máy… 

Cùng đó, ông còn tích cực vận động bà con giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thực hiện tốt các quy ước, hương ước của thôn, bản; vận động anh, em trong dòng họ tích cực tham gia xây dựng Hội Khuyến học của dòng họ Giàng tại xã An Lương. 

Phong trào khuyến học, phong trào học tập của dòng họ Giàng đã đạt nhiều thành tích đáng khích lệ. Dòng họ đã có nhiều con em đi học các trường chuyên nghiệp, nhiều người ra trường đã tham gia công tác trong các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang… Giờ đây, 60 hộ dân của Sài Lương 3 đã đoàn kết, cùng nhau xây dựng đời sống mới. 

Không chỉ vậy, trong trận lũ quét lịch sử hồi trung tuần tháng 7/2018 khiến quãng đường từ thôn xuống xã bị cô lập chia cắt. Thay vì trông chờ ỷ lại, đợi sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, ông đã vận động các hộ dân trong thôn đóng góp tiền của, công sức với số tiền trên 74 triệu đồng tiền mặt. 

Bản thân ông cũng góp gần 10 triệu đồng cùng với bà con dân bản thuê máy xúc san gạt mặt đường trong 10 ngày, đảm bảo giao thông thông suốt. Từ Sài Lương 3, các thôn bản khác cũng đồng loạt hưởng ứng, tạo hiệu ứng tốt trong việc vận động nhân dân góp tiền của, công sức khắc phục hậu quả thiên tai nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân. 

Chia tay ông Phử, rời Sài Lương 3, tôi nhớ mãi câu nói của Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Cội: "Nếu thôn, bản nào cũng có người như ông Phử thì chả mấy chốc mà An Lương thoát nghèo!”.

Thanh Tân