Nghĩa Lộ: Hợp tác để nâng cao chất lượng dịch vụ

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/9/2019 | 7:57:43 AM

YênBái - Thực hiện Chương trình hành động 144-CTr/TU ngày 15/02/2019 của Tỉnh ủy Yên Bái và Kế hoạch 104 ngày 16/4/2019 của UBND tỉnh về thực hiện chương trình phát triển du lịch của các huyện, thị xã miền Tây tỉnh Yên Bái năm 2019 - 2020, thị xã Nghĩa Lộ đã thành lập được 151 tổ hợp tác (THT).

Mô hình tham gia Tổ hợp tác du lịch cộng đồng của anh Sa Bích Nghị ở thôn Đêu 2, xã Nghĩa An ngày càng thu hút khách du lịch.
Mô hình tham gia Tổ hợp tác du lịch cộng đồng của anh Sa Bích Nghị ở thôn Đêu 2, xã Nghĩa An ngày càng thu hút khách du lịch.

Trong đó có hơn 50 THT dịch vụ du lịch, tập trung vào lĩnh vực du lịch cộng đồng, kinh doanh lưu trú, các ngành nghề truyền thống, cung ứng nguyên liệu sạch, kinh doanh ẩm thực, chế biến món ăn truyền thống.

Tuy mới thành lập và đi vào hoạt động, song các thành viên tại 4 THT về du lịch cộng đồng đã triển khai các hoạt động chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau phát triển du lịch. 

Anh Lường Thạch Cương - Tổ trưởng THT Du lịch cộng đồng thôn Đêu 2, 3, xã Nghĩa An cho biết: "3 thành viên của THT đã liên kết hỗ trợ nhau về nhân lực phục vụ, san sẻ khi các hộ nhiều khách, bàn bạc tìm giải pháp để đưa mô hình du lịch cộng đồng phát triển bền vững như: có cơ chế hỗ trợ xây dựng đội văn nghệ hoạt động chuyên nghiệp; học tiếng Anh, tiếng Pháp để giao tiếp; bồi dưỡng hướng dẫn viên am hiểu phong tục, tập quán, lịch sử, địa lý, con người Nghĩa Lộ - Mường Lò để thuyết minh, giới thiệu tới du khách”. 

Đối với lĩnh vực ngành nghề truyền thống, thị xã Nghĩa Lộ đã thành lập được 15 THT, bao gồm: sản xuất hàng thổ cẩm, may mặc trang phục truyền thống, mây tre đan. 

Chị Hà Thị Tiến - Tổ trưởng THT Dệt may hàng thổ cẩm Bản Lè, phường Trung Tâm chia sẻ: "Các sản phẩm của THT gồm: túi, khăn, ghế ngồi, đệm, được tiêu thụ chủ yếu tại chợ Mường Lò. Khác với cách làm việc đơn lẻ, các thành viên được phân công thực hiện từng công đoạn, các đầu mối được tập hợp, nhờ đó công việc đều đặn hơn trước rất nhiều. Mặc dù chỉ làm tranh thủ lúc nông nhàn nhưng thu nhập bình quân của mỗi người trong THT cũng đạt 4 triệu đồng/tháng trở lên. Đặc biệt, khi có khách du lịch mua hàng, chúng tôi còn giới thiệu cho du khách tham quan cả quá trình tạo ra sản phẩm, du khách rất thích thú”. 

Còn tại các THT kinh doanh ẩm thực, chế biến món ăn truyền thống, những kinh nghiệm, bí quyết chế biến các món ăn ẩm thực của dân tộc, các đầu mối cung cấp nguyên vật liệu sạch cũng được chia sẻ để các thành viên cùng nhau học hỏi, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất phục vụ du khách đến với Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò tới đây. 

Rõ ràng, để nâng cao chất lượng phục vụ du lịch, việc hợp tác giữa các nhóm hộ hơn hẳn cách hoạt động đơn lẻ trước kia bởi sự đoàn kết ấy rất có hiệu quả trong việc huy động nhân, vật lực, đáp ứng nhu cầu của du khách, nhất là những khi lượng khách du lịch đổ về thị xã Nghĩa Lộ trong Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò ngày một đông hơn. 

Trong quá trình thành lập và đi vào hoạt động, các THT này sẽ tiếp tục được các đoàn thể, xã, phường tạo điều kiện lồng ghép với các chương trình, dự án vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; tham gia các lớp tập huấn, tham quan, học hỏi kinh nghiệm… 

Nhờ đó, các THT phục vụ du lịch đã có bước chuyển tích cực về cả tư duy và hành động để nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ du lịch đồng thời thể hiện tính tương trợ, đoàn kết, cùng nhau phát triển bền vững. 

Bà Hoàng Thị Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Trong thời gian tới, thị xã tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách hỗ trợ để áp dụng phù hợp đối với các THT du lịch; khuyến khích sự phát huy nội lực, những cách làm hay của các THT để xây dựng các thương hiệu, uy tín của sản phẩm phục vụ du lịch; tạo điều kiện để các THT hoạt động hiệu quả hơn nữa, góp phần quảng bá, giới thiệu các nét văn hóa đặc trưng của Nghĩa Lộ - Mường Lò, đưa du lịch Nghĩa Lộ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn làm giàu cho người dân địa phương”.

Hoài Anh